9 sai lầm khó tin trong chiến tranh (1)

Google News

Một phi công Mỹ dẫn đồng đội hạ cánh xuống lãnh thổ của đối phương vì tính toán sai thời tiết... là sai lầm khó tin thời chiến.

Chuốc họa vì đánh giá thấp đối thủ
Chiến dịch Gallipoli, hay Trận Gallipoli, kéo dài từ tháng 4 tới tháng 12 năm 1915, do liên minh Anh - Pháp phát động nhằm chiếm thủ đô của Đế chế Ottoman là Constantinopolis (nay là Istanbul). Là chiến dịch đổ bộ lớn nhất và tham vọng nhất trong Thế chiến thứ nhất, cuộc tấn công thất bại với thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Với lực lượng Đồng minh, thảm kịch đã bắt đầu từ vài tháng trước khi chiến dịch diễn ra.
Một trận đánh trong chiến dịch Gallipoli. Ảnh: gallipoliexperience.com.
Thứ nhất, các kịch bản chiến tranh mà Anh và Pháp soạn thảo đều đề cập tới việc đổ bộ lê neo biển Dardanelles (ở phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Để thực hiện cuộc đổ bộ, binh sĩ phải tập luyện kỹ và sử dụng những khí tài hiện đại nhất thời bấy giờ. Thế nhưng giới lãnh đạo quân sự Anh lại muốn điều động những tàu chiến cũ tham gia chiến dịch. Chúng chẳng những có trục trặc kỹ thuật, mà nhiều vũ khí chúng mang theo không hoạt động. Ngoài ra các kế hoạch chiến tranh cũng cho rằng chiến dịch phải diễn ra trước khi quân Ottoman chuẩn bị. Người Hy Lạp liên tục nhắc nhở người Anh rằng London không nên quá tự tin. Theo phía Hy Lạp, quân liên minh cần khoảng 150.000 người để đổ bộ thành công. Thế nhưng các nhà hoạch định chiến tranh của Anh phớt lờ những lời nhắc nhở từ Hy Lạp. Họ tin rằng họ chỉ cần khoảng 75.000 người. Mặc dù người Anh có nhiều bản đồ về eo biển Dardanelles, nhưng họ lại không bức không ảnh nào. Thậm chí một tướng Anh bình luận rằng lính Ottoman sẽ chạy ngay sau khi binh sĩ Đồng minh đặt chân lên lãnh thổ Ottoman nên quân Đồng minh chẳng cần máy bay. Tất nhiên, vị tướng đó đã nhận định sai lầm và lực lượng Đồng minh hứng chịu thất bại thảm hại trước người Thổ.
Sai lầm khó hiểu của quân đội Pakistan
Vào năm 1965, những thành phần hiếu chiến trong chính phủ Pakistan và quân đội tin rằng Ấn Độ không còn khả năng bảo vệ vùng Jammu và Kashmir. Pakistan cũng hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ ủng hộ họ, bởi Mỹ từng bán cho họ những khí tài hiện đại nhất, còn Trung Quốc cũng từng giao chiến với Ấn Độ ở biên giới vào năm 1962, The Guardian đưa tin. Giới lãnh đạo quân sự soạn thảo Chiến dịch Gibraltar để điều động vài nghìn binh sĩ ở phía tây Pakistan xâm nhập vào vùng Kashmir. Nhiệm vụ của họ là gây bất ổn định và xúi giục người dân chống Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ ước tính gần 30.000 người tham gia chiến dịch Gibraltar, trong khi Pakistan khẳng định con số đó chỉ là 7.000.
 Những ngôi nhà thuộc khu vực Kashmir. Ảnh: blogspot.com.
Vào tháng 8/1965, chiến dịch Gibraltar diễn ra. Dường như mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch cho tới khi mọi người nhận ra rằng giới chức Pakistan chưa hề liên lạc với người dân ở Kashmir. Thậm chí họ còn không cho giới lãnh đạo địa phương biết cách thức mà chiến dịch sẽ diễn ra. Vì thế người dân không nổi dậy để chống chính quyền Ấn Độ. Ngược lại, người dân địa phương còn coi binh sĩ Pakistan là những kẻ xâm nhập nên họ hợp tác với cơ quan tình báo Ấn Độ để xua đuổi. Ấn Độ công bố cuộc tấn công và kế hoạch chiến tranh của Pakistan trên các phương tiện truyền thông. Mặc dù biết rằng Chiến dịch Gibraltar đã thất bại, yếu tố bất ngờ không còn và các cường quốc bên ngoài cũng không ủng hộ, Pakistan vẫn quyết định phát động cuộc tấn công toàn diện vào Kashmir. Chiến dịch của họ rơi vào thế bế tắc và Liên Hiệp Quốc đã dàn xếp để hai nước ký hiệp định ngừng bắn vào ngày 22/9/1965.
Phi đội Mỹ đáp xuống lãnh thổ đối phương
Vào ngày 10/7/1918, thiếu tá Harry Brown – sĩ quan thuộc phi đội số 96 của Không quân Mỹ - biết rằng các thành viên của phi đội rất muốn chiến đấu. Mặc dù các phi cơ của họ chưa nhận nhiên liệu và vũ khí, Brown vẫn quyết định thực hiện một vụ ném bom khi mây trở nên thưa thớt trên bầu trời vào lúc chiều muộn. Anh ta dẫn đầu 6 phi cơ bay lên bầu trời.
Một phi đội máy bay chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất. Ảnh: History.
Nhưng một lát sau mây lại giăng kín bầu trời nên các phi công không thể nhìn thấy mặt đất. Gió bắt đầu thổi mạnh khiến các máy bay chệch khỏi lộ trình. Brown thông báo với đồng đội rằng họ đã mất phương hướng. Do nhóm phi công không mang theo dù, họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc đáp xuống. Khi tiếp đất, họ bàng hoàng khi nhận ra nơi họ đáp xuống là Koblenz, Đức. Ngay lập tức binh sĩ Đức xuất hiện và bắt họ.
Một lát sau, máy bay Đức thả thông điệp xuống một sân bay của phe Đồng minh với nội dung mang tính chế giễu: “Chúng tôi cảm ơn các máy bay và thiết bị của các ngài, nhưng chúng tôi sẽ làm gì với ngài thiếu tá?”. Tướng Billy Mitchel, “cha đẻ” của lực lượng Không quân Mỹ, viết trong nhật ký như sau: “Đây là một trong những màn trình diễn vô ích nhất mà chúng tôi từng gặp trên chiến trường. Dĩ nhiên, chúng tôi không hồi đáp về viên thiếu tá. Anh ta nên ở cùng người Đức, chứ không nên về với chúng tôi”.
Theo Kim Ngân/Tri thức trực tuyến

Bình luận(0)