Trò ăn năn: Nhật ký lớp làm cô giáo bật khóc

Google News

(Kiến Thức) - Dành hết tình yêu thương cho đám học sinh nhưng rồi cô lại phải bật khóc khi biết chúng nghĩ gì về mình khi vô tình đọc quyển nhật ký lớp.

Ném mắm tôm lên bảng vì cô bắt học
 

LTS: Câu chuyện tình thầy trò không chỉ có những bó hoa, lời chúc mừng, những khẩu hiệu biết ơn...
 
Đâu đó, lại có những hiểu lầm, tức giận, những hành động bồng bột mà có khi phải trả giá bằng tù tội và cái chết. Nhưng sau cùng vẫn là những câu chuyện nhân văn về sự ăn năn, tha thứ và trở về với yêu thương...

Kienthuc.net.vn đăng loạt bài "Trò ăn năn" nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Hồi học cấp 2, vào một buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi đứa nào cũng xúng xính diện quần áo mới tới trường. Bây giờ quần áo mới là chuyện quá đỗi bình thường chứ với chúng tôi ngày đó thì đó thực sự là một điều xa xỉ và hầu như chỉ có trong mỗi dịp Tết. Thằng Vinh có lẽ là đứa oách nhất lớp vì nó vừa được may một bộ comple khiến bọn con trai đứa nào cũng phải thèm thuồng.
 
Đi học nhưng không khí Tết vẫn còn nhiều lắm, bọn học sinh nhớ đến bánh trưng và mứt kẹo thì nhiều chứ chẳng có đứa nào quan tâm đến bài vở cả. Các thầy cô cũng đều đã từng là trẻ con nên biết tỏng bọn học sinh nghĩ gì và thường châm chước không bắt học trò phải học hành gì mấy trong ngày đầu năm.
 
Thế nhưng năm ấy, cô giáo mới sau màn chào hỏi qua loa liền bắt chúng tôi quay lại guồng học tập ngay, bỏ qua sự "kêu gào thảm thiết" của đám học sinh. Phản đối dữ nhất bao giờ cũng là bọn con trai. Thế rồi thằng Vinh nghĩ ra một độc chiêu: Do nhà gần trường nên hết tiết thứ nhất nó chạy về nhà lấy gói mắm tôm hòa với nước, cho vào túi nilon, mang lên lớp ném bốp cái lên bảng.
 
"Những trò nghịch ngợm, những phút bồng bột thời học sinh của chúng tôi vô tình đã có lúc làm buồn lòng thầy cô giáo" - anh Nguyễn Quang Hưng.

Cuối cùng thì cả lớp cũng được nghỉ đúng như nguyện vọng vì chẳng ai ngồi nổi trong lớp với cái mùi mắm tôm kinh khủng. Nhưng thằng Vinh thì bị mời phụ huynh đến. Khi có điện của cô giáo, bố nó lập tức chạy sang, vừa gặp đã tát cho nó 2 cái trời giáng và bắt cởi áo ra lau hết chỗ mắm tôm.
 
Cu cậu vừa sợ vừa tiếc cái áo comple mới cứ đứng khóc suốt. Cô giáo thấy thương nên cũng ra xin hộ nhưng không ăn thua, bố nó nhất quyết bắt phải cởi áo ra lau cho bằng sạch mới được về.
 
Chỉ tại quyển nhật ký lớp
 
Lên cấp 3 chúng tôi học lớp B, lớp vốn nổi tiếng nghịch ngợm của trường, khác hẳn so với lớp A toàn học sinh ngoan ngoãn, học giỏi. Bởi vậy, hầu hết các thầy cô đều thích dạy lớp A hơn lớp B, đặc biệt là cô Hương dạy môn tiếng Anh.
 
Lần nào lên lớp chúng tôi cũng bị mắng vì cái tội lười học, quậy phá, mất trật tự. Cô Hương luôn luôn đem lớp A ra để so sánh và coi đó như là một niềm tự hào, một thế hệ học sinh ưu tú do cô đào tạo.
 
Rồi cái niềm tự hào đó bỗng dưng sụp đổ khi cô vô tình đọc được quyển nhật ký của lớp A để quên sau giờ học. Rất nhiều những trò quậy phá mà trước đây cô đinh ninh là do mấy đứa lớp B bày ra như: để túi nước trên cánh quạt trần (để khi bật quạt túi nước sẽ văng ra), đốt quả thối ném vào trong lớp để được nghỉ học... và cả cái lốp xe thủng của cô nữa cũng đều là tác phẩm của lớp A.
 
Buồn lòng hơn, cô phải bật khóc khi biết sau lưng mình, các học trò cưng gọi cô là “cái bà già đã béo như củ khoai tây lại còn khó tính như ma”, đồng thời lôi đầy đủ các khiếm khuyến trên cơ thể cũng như trong tính cách của cô ra để châm chọc, mỉa mai.
 
Sau lần đó cô Hương không còn dậy lớp A nữa, còn chúng tôi cũng chẳng thấy hả hê dù không còn bị lôi ra so sánh. Lớp A, lớp B và cả cô giáo nữa, có lẽ ai cũng đã bị mất đi một cái gì đó.
 
Nguyễn Quang Hưng (cựu học sinh trường Nguyễn Trãi, Hà Nội)
 
BÀI ĐỌC NHIỀU:

Bình luận(0)