Sự việc xảy ra vào những ngày cuối tháng 11/2012, khi anh Minh Anh vì bế tắc đã nghĩ quẩn đổ dầu vào người rồi châm lửa tự tử.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Minh Anh vào một buổi chiều mùa đông. Không khó khăn lắm để hỏi thăm nhà anh vì sự việc anh tự vẫn bằng dầu còn đang gây xôn xao người dân vùng nông thôn vốn yên tĩnh này. Dưới thời tiết lạnh giá thêm mưa phùn lất phất, ngôi nhà cấp bốn của gia đình anh càng trở nên cô tịch, u sầu.
Sau cái chết thương tâm của con trai, mẹ của anh Minh Anh hàng ngày vẫn lủi thủi trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ và khắc khoải đợi đứa cháu nội đi học về bình an.
Chúng tôi gặp bà C (mẹ của anh Minh Anh), bà rất ngần ngại khi biết chúng tôi là PV. Bà không muốn kể cho mọi người biết đến bi kịch của gia đình mình. Sau khi xin phép bà thắp cho người quá cố nén hương, chúng tôi mới cùng bà tâm sự để hiểu rõ hơn nỗi lòng của người mẹ có con đã quá cố.
Khi kể về cái chết của đứa con trai cả của mình, bà C như lặng đi, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má từ bao giờ. Không ngờ rằng ở cái tuổi ngoài 60, bà đã phải “lá vàng” khóc tiễn “lá xanh về trời”. Hình ảnh về người con hiền lành, chăm chỉ vẫn in sâu trong tâm trí bà. Nhiều đêm bà nằm mơ thấy đứa con trai của mình về thăm hai ông bà, thấy con cầm chổi quét sân, thấy con đứng nhìn chăm chăm vào bà như nhớ nhung và như hối hận...
Là con cả trong nhà, anh Minh Anh đã sớm phải chịu vất vả, anh không được học hành nhiều như các em của mình sau này. Sau khi nghỉ học, anh đi bộ đội và khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống. Anh làm qua nhiều nghề như sửa xe, đánh cá, làm công nhân… nhưng cuộc sống vẫn không mấy dư dả.
Lấy vợ được gần 5 năm thì chia tay. Anh không đi “bước nữa” mà ở vậy nuôi con trai. Cách đây 4 tháng anh về nhà ở với bố mẹ, kiếm việc làm trên chính quê hương của mình. Thấy con chăm chỉ làm ăn, bà C dự định xin thêm đất để con đào ao thả cá. “Khi có điều kiện kinh tế thì tôi sẽ tìm vợ cho nó, đàn ông dù đảm đang khéo léo bao nhiêu cũng không thể thay thế được bàn tay người phụ nữ bên cạnh được” - bà C nghẹn ngào kể lại.
Sau hôm anh Minh Anh châm dầu tự tử, gia đình, anh em, làng xóm đã góp tiền, góp sức đưa anh đi chữa trị ở Viện Bỏng Quốc gia. Chạy chữa hết gần 100 triệu nhưng vì vết bỏng quá nặng anh đã qua đời vài ngày sau đó.
Cái ao này đã không cứu được anh Minh Anh khi anh nhảy xuống vì ngọn lửa bốc lên quá lớn.
Không cứu được con, bà C muốn đưa thi thể con về quê an táng, tuy nhiên vì tiền xe đưa về quá đắt nên bà đành chua xót hỏa táng con mình tại Hà Nội. “Chứng kiến cảnh cháu nội ôm di ảnh bố, em gái bê hủ tro cốt, lúc đó tôi chỉ muốn chết cùng với con các chú ạ”, giọng bà C lạc đi khi nhớ tới giây phút khổ đau đó.
Chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến giây phút nghĩ quẩn của anh Minh Anh, bà C chia sẻ: “Có lẽ vì là con cả trong nhà mà không thành đạt, trong khi các em lại là những người có địa vị trong xã hội nên nó thấy hổ thẹn mà làm điều dại dột”.
Biết con mình thiệt thòi từ nhỏ, bà C đã luôn tìm cách vun đắp cho con. Bà đã tích góp từng đồng lương hưu ít ỏi của mình mua xe, xây nhà cho con. Biết được chỗ nào có việc làm phù hợp là bà tìm cách xin giúp con. Trước ngày định mệnh của con trai, bà C đã liên lạc với người quen ngoài Hà Nội để xin việc cho con nhưng không ngờ sự việc đau lòng xảy ra. Những mong muốn của người mẹ già mãi mãi không thành hiện thực được.
Mất con trai, hai vợ chồng bà C sớm hôm thui thủi trong nhà. Ông bà chỉ vui hơn một chút khi đứa cháu đích tôn đi học về. Con anh Minh Anh giờ đã học lớp 4, cháu học rất giỏi. Bà C bảo cháu khôi ngô, nhanh nhẹn không khác gì bố.
Giờ đây đứa cháu nội chính là niềm an ủi, động viên lớn nhất cho ông bà lúc tuổi già. Mỗi lần nhìn cháu cũng là mỗi lần ông bà nhớ đến người con xấu số của mình.
Chúng tôi tạm biệt bà C khi đồng hồ đã điểm 5h chiều. Bà C tiễn chân chúng tôi ra cổng, chỉ về mấy chậu cây cảnh và khoe đó là sản phẩm anh Minh Anh mới hoàn thành cách ngày mất không lâu. Cạnh đó là hàng rào xây cao tươm tất cũng là công sức một mình anh cặm cụi làm trong gần nửa tháng.
“Nó không có tiền bạc để cho tôi nên có lẽ cố làm những gì có thể để khi nó mất vợ chồng tôi nhớ nó, có phải vậy không chú?” Nghe câu hỏi của bà mà chúng tôi như chết lặng, cổ họng nghẹn đắng.