Giãy đành đạch vì cái "của nợ"
Nhà tầng trên ăn hoa quả, thịt thà vứt vỏ, xương rơi cái bốp vào đầu người ở dưới. Có nhà rửa rau, phơi quần áo xong đổ ào cả chậu nước xuống mà không cần để ý có ai đi phía dưới không. Những hôm gió to, quần áo, xô chậu phơi ở tầng trên rơi lả tả xuống. Có ông đang đi qua sân tầng 1 thì bị trùm cả cái "của nợ" vào mặt.
Ông ấy giãy lên đành đạch, ném nó xuống chân, dẫm, dẫm, đạp, đạp cho một hồi, vừa đạp, ông vừa chửi. Người lớn nhìn thấy không ai dám ho he, cười cợt gì. Nhưng đám trẻ con thì cười ré. Khổ cái từ tầng 1 đến tầng 5, tầng nào cũng giăng cái "của nợ" ra phơi thế kia, thì biết của nhà nào.
Sau mấy hôm thì ông tổ trưởng dân phố phải đi từng nhà nhắc nhở: "Cấm phơi đồ nhạy cảm ra bên ngoài".
|
Quần áo giăng mắc ngay trên đầu. Ảnh minh hoạ: Thu Hiền |
Có ông thường xuyên “lái” vào cái chậu cây cảnh của nhà bên và tự nhủ rằng “mình đang giúp ông hàng xóm đỡ phải tưới nước với bón phân”. Nhưng đôi khi sự giúp đỡ đến thường xuyên quá khiến ông hàng xóm phát điên lên vì cái thứ mùi lan toả từ chậu cây cảnh của mình.
Cũng chỉ vì chật chội, chung đụng nên nhiều khi, những chuyện tưởng chừng nhỏ như “cái kim sợi chỉ” cũng có thể thành to chuyện, làm đinh tai nhức óc cả khu.
Nhà phía ngoài sử dụng diện tích ngoài cửa để nấu ăn, dựng xe đạp làm những hộ bên trong cảm thấy khó chịu. Thế là mỗi lần ra vào, nhà bên trong cứ mở toang cửa, đá xe đạp, hễ nhà kia kêu ca thì lại chửi đổng theo kiểu: “Lối tao tao đi, sợ mất đồ thì ra mà đóng cửa”.
Có nhà mỗi lần nấu ăn lại lẩm bẩm “không đun nấu mấy sao dầu chóng hết thế không biết”. Hàng xóm nghe được nghĩ bụng nhà này ám chỉ mình, từ đó hai nhà “mặt nặng mày nhẹ với nhau”.
Tao không sợ mày đâu nhé
Có khu chỉ có một, hai nhà vệ sinh công cộng. Giờ cao điểm nhất là buổi sáng sớm, trước giờ đi làm. Người người, nhà nhà vừa đi vừa vò giấy, nói chuyện í ới nhưng cứ gần đến nhà vệ sinh thì ai nấy lặng im như chả quen nhau bao giờ, xếp hàng lặng lẽ như đang làm việc gì xấu hổ lắm.
Phải đứng xếp hàng chờ đến lượt vào nhà vệ sinh đã khổ, vào ngồi trong đó rồi nhưng biết rằng có cả một đống người đang đứng ngoài cửa chờ mình thì cũng chẳng thoải mái gì. Còn nếu không may gặp phải mấy bà khó tính thì cứ tha hồ vừa ngồi vừa run.
Mấy bà đó dường như không có tí kiên nhẫn nào, cứ đứng đợi 1 phút là sẽ hét lên: “Ai ở trong đấy, làm gì mà lâu thế, có nhanh lên không nào”. Hỏi vậy thôi chứ chẳng ai dám nhận “tôi, L… đây”, chỉ dám vò giấy sột soạt, ý: "sắp xong rồi, đang vò giấy đây này".
Bọn trẻ con thì sợ nhất là phải đi vệ sinh vào buổi tối vì đứa nào chả sợ ma. Chúng vừa ngồi trong nhà vệ vừa ông ổng hát. Hát cho quên nỗi sợ, hát cho ma nó biết “tao không sợ mày đâu nhé”.
|
Cuộc sống ở các khu tập thể vẫn nhộn nhịp. Ảnh: Thu Hiền |
|
Những hành lang cũ cũng có bao nhiêu chuyện muốn kể. Ảnh: Thu Hiền |
|
Với những người lớn tuổi, khu tập thể cũ luôn chứa chất nhiều hoài niệm. Ảnh: Thu Hiền |
Bây giờ có nhà vệ sinh riêng, mọi sự khá khẩm hơn nhiều, nhưng vẫn không tránh được phiền toái, vì tuy riêng nhưng có những thứ vẫn phải chung.
Chị Nguyễn Thị Hà, Tập thể Học viện kỹ thuật mật mã (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra ngán ngẩm với hệ thống ống thoát nước. Khu tập thể cũ nên nhà tầng trên, tầng dưới chung nhau ống thoát, một nhà ở tầng trên bị vỡ ống nước thì nhà dưới cũng bỗng dưng bị ngập.
Tắc bồn cầu mới thực sự khủng khiếp. Như ở khu tập thể nhà chị Hà, năm ngoái có nhà bị tắc đường ống vệ sinh nên phải bật bể phốt lên thông. Nhà này đã nhắc những nhà ở trên “chịu khó nhịn hoặc đi nhờ nhà người khác”, nhưng có nhà do đi vắng không biết, khi về cứ đi vệ sinh như thường, nhà phía dưới thấy “vàng” nổi lềnh phềnh, tức quá, chửi toáng lên.
M. Anh - H. Linh
Ảnh: Thu Hiền