Ôi cái cảnh chờ nước đêm
Chuyện đi xin nước, chờ hứng nước đêm đã trở thành nỗi ám ảnh của không biết bao nhiêu khu tập thể. Nhưng có lẽ cái việc chờ hứng nước đêm ấy lại trở thành một nét độc đáo với bao nhiêu chuyện bi hài, cãi vã, đá thúng đạp thùng.
Ở khu tập thể Cao - Xà - Lá (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vậy, ở đây có một bể nước chung, nhưng cái bể nước này chẳng phải lúc nào cũng có nước mà thường chỉ có ban đêm thì “nước mới về”. Ngày xưa thì mọi người phải chờ đến đêm để chầu chực xách được vài xô nước về nhà. Bây giờ hiện đại hơn, họ cắm thẳng ống xuống đó và bơm lên bể nhà mình. Chỉ có một điều giống như trước là vẫn phải chờ đến đêm để... bơm.
Vì có máy bơm nên cái chuyện cãi vã nhau chờ lấy nước không còn nhưng lại sinh ra ối chuyện đau đầu khác. Nhà nào cũng muốn bơm nước cho nhanh để còn đi ngủ nên mới có chuyện rút ống nước nhà hàng xóm, cắm ống nhà mình bơm cho nhanh, trong khi nhà kia vẫn yên tâm ngồi chờ mà chẳng có tẹo nước nào.
Hay có những ông ngồi trông máy bơm nhưng lại ngủ quên mất, thế là cả khu tập thể sẽ nháo nhào cả lên khi đang đêm mà nước từ tầng trên cứ ào ào trút xuống tầng dưới. Chẳng ai muốn nửa đêm cả nhà phải lục đục mò dậy đi lau dọn, đó là chưa kể nhà lâu năm tường mục, dây điện loằng ngoằng luôn trong tình trạng chập mạch bất cứ lúc nào.
Sống ở khu tập thể, người ta cũng sẽ quen với cái việc nửa đêm vẫn nghe thấy tiếng chửi nhau ầm ĩ, tiếng đập cửa rầm rầm chỉ vì nhà trên lỡ quên không tắt máy bơm nước.
|
Sống ở khu tập thể thì chuyện tích trữ nước luôn đặt lên hàng đầu, |
|
rồi còn phải chầu chực... |
|
...chờ từng xô nước. |
Đội nón, mặc áo mưa ngồi rán cá
Nhà chật lại đông người, các gia đình trong khu tập thể hầu như nhà nào cũng cố cơi nới ra hết sức. Những nhà tầng 1 thì sướng nhất vì tha hồ xây lấn ra diện tích sân, có khi được gấp đôi diện tích thật ghi trong giấy tờ. Còn những nhà phía trên chẳng có đất để lấn thì đành cố chiếm khoảng không. Thế là các chuồng cọp thi nhau mọc lên.
"Đấy là đến vào ngày nắng, còn hôm nào trời mưa thì sẽ rất hài hước khi thấy các ông đội nón, mặc áo mưa ngồi rán cá ngoài hành lang", bác Hiền, một người dân sống ở đây cười nói.
Hành lang chung trở thành bếp riêng dẫn tới lắm chuyện chướng tai gai mắt. Mấy nhà đầu dãy bê cả bếp lò, xoang chảo ra rải ngoài hành lang, lại thêm một chỗ để ngồi nấu nữa là chẳng còn chỗ nào mà đi. Điều đó khiến nhiều hộ bên trong cũng bức xúc vì “vào nhà mình mà cứ như phải đi nhờ qua nhà người khác vậy”.
Chịu đựng “mùi của nhà mình” còn đỡ, có ông vừa đặt túi rác trước cửa, quay đi quay lại đã thấy bên cạnh xếp ngay ngắn một túi rác nữa to không kém. Tức lắm đấy nhưng chả biết kêu ai, chỉ còn cách chửi đổng cái thằng “dám vứt rác trước cửa nhà ông”. Hàng xóm thì ai cũng nghĩ “chắc lão ý không chửi mình”.
Thu Hiền - Hoàng Linh