Phát khiếp với trò khạc, nhổ vào gạt tàn
Những người dân sống ở khu tập thể thường đoàn kết và gần gũi với nhau, nhưng sự gần gũi và vô ý đến quá mức nhiều khi cũng khiến hàng xóm phải phát khiếp. Anh Nguyễn Minh Hoàng (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) lắc đầu lè lưỡi khi kể về những ông hàng xóm “kinh dị” ở khu mình.
|
Sống ở khu tập thể nhiều khi phải đau đầu với những ông hàng xóm "kinh dị" |
Có bác hàng xóm thường xuyên sang chơi với bố anh Hoàng. Bác hàng xóm vui tính và thoải mái nên cả nhà anh đều rất quý, chỉ có cái tật hay khạc nhổ của bác là khiến mọi người ai cũng ớn. Có lẽ đó đã là thói quen nên cứ ngồi một lúc bác lại phải khạc nhổ mới chịu được. Khổ nỗi việc đó người ngoài nhìn vào thì kinh chứ với bác đã quen mấy chục năm nên thành chuyện bình thường, còn chẳng bao giờ để ý.
Ngồi trong phòng khách xem ti vi, nói chuyện mà cứ một lúc lại thấy khạc một lần, tiện thì nhổ luôn vào chậu cây cảnh hay cái bô của trẻ con... Nhưng kinh dị nhất vẫn là cái trò nhổ vào gạt tàn thuốc lá. Có hôm cả nhà anh Hoàng đang ngồi ăn cơm, bố anh và bác hàng xóm ngồi xem ti vi trên ghế, bỗng bác hàng xóm khạc một cái rõ to, quay đi quay lại vớ luôn cái gạt tàn thuốc lá nhổ toẹt vào đó rồi lại như không có chuyện gì. Cả nhà anh Hoàng ngồi tròn xoe mắt mà không sao nuốt được miếng cơm.
Nhà anh Hoàng cũng góp ý mấy lần nhưng bác hàng xóm vẫn chứng nào tật nấy, bác bảo “ôi có cái gì đâu, chuyện bình thường mà, bao nhiêu năm quen rồi, chẳng sửa được”. Nói xong bác làm toẹt cái xuống đất, lấy dép di di rồi cười hề hề.
Trường hợp bác hàng xóm khạc nhổ thôi còn đỡ, đằng này trong khu còn mấy nhà nuôi chó, bình thường vẫn dắt chó xuống dưới sân cho đi vệ sinh. Nhưng hôm nào quên hay cho đi muộn tí là nó tót ra ngoài hành lang “bậy” ngay được. Mấy ông đi không để ý, dẫm vào, ngó trước ngó sau rồi chùi ngay lên bệ tường. Thế là mùi khai, mùi thối nồng nặc cả dẫy. Cũng chỉ vì mấy chuyện nhỏ nhặt đó mà những trận cãi vã ầm ĩ cả khu vẫn thường xảy ra như cơm bữa.
Xây nhà vệ sinh trên "đầu" cả xóm
Còn nhà chị Nga (Dịch Vọng, Hà Nội) lại dở khóc dở cười với cái nhà vệ sinh của hàng xóm. Chả là khu chị ở có cái ngõ đi chung, nhà ông hàng xóm ở phía đầu ngõ từ lâu đã cơi nới phần diện tích phía trên để làm bếp, nhưng sau đó lại chuyển sang làm nhà tắm và nhà vệ sinh. Những người đi lại qua ngõ nhìn rõ cả cái ống thoát nước bồn cầu chạy ngay trên đầu.
Đi qua đó chẳng may gặp đúng lúc nhà hàng xóm xối nước bồn cầu thì chỉ có mà chạy thật nhanh. “Dù chẳng có giọt nước nào hay cái gì đó rơi xuống nhưng cứ tưởng tượng ra họ vừa xối nước cái gì ngay trên đầu mình thì chẳng ai có thể từ từ mà đi được cả”, chị Nga bật cười.
Chị Nga kể thêm, cái cảnh nhiều hộ sống chung một khu nhiều khi rất phức tạp, sợ nhất là các màn tra tấn bằng âm thanh. Nhà đằng trước có bác cao tuổi, thích nhạc tiền chiến nên rất hay mở, mà bác lại có sở thích “mở nhạc cho cả xóm cùng nghe”. Nhà bên cạnh thì có mấy đứa thanh niên, thích nhạc trẻ cũng bật thật to như để “chơi” lại. “Chả biết hai người có nghe ra thứ nhạc gì không chứ nhà mình ở giữa thì đúng là bị tra tấn thực sự”.
Rồi trong khu có một nhà bán hàng ăn, bác gái thì đanh đá suốt ngày chửi mấy đứa nhân viên giúp việc. Mỗi lần chửi đều chửi rất dai, lại còn ra giữa sân mà chửi nên nhân viên nhà đó nghe thì ít mà hàng xóm phải nghe thì nhiều, ai cũng ngán ngẩm nhưng chẳng ai muốn dây vào. “Mấy cô nhân viên đó được cái lại rất vô tư, mùa đông thì còn đỡ chứ mùa hè thì chỉ cần nhìn mấy bộ đồ thiếu vải, bó sát đó cũng đủ nhức hết cả mắt. Đến lúc giặt quần áo thì mấy cái loại quần áo lót xanh xanh, đỏ đỏ cứ mặc sức treo đầy sân chung của cả xóm mà chả thấy họ ngại bao giờ”.
BÀI ĐỌC NHIỀU: