Chiều 11/6, Bộ Y tế đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Tĩnh đề triển khai các phương án phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh này.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho hay, tỉnh ghi nhận 26 ca mắc COVID-19 từ ngày 4/6 đến nay. Sau khi phát hiện các ca mắc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã khoanh vùng, truy vết, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hiện đã truy vết được 924 F1 và 8.526 F2. Qua xét nghiệm cho kết quả 839 mẫu F1 và 40.441 mẫu F2 vùng phong tỏa diện rộng âm tính với SAR-CoV-2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo ngành y tế Hà Tĩnh cho biết, đang tiếp tục truy vết những người liên quan đến ca bệnh, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ.
|
Buổi làm việc của Bộ Y tế tại Hà Tĩnh liên quan đến việc triển khai phương án phòng chống dịch. |
Sở Y tế nhận định, nguồn lây từ hai ca bệnh ở Bình Dương trở về là chủng Ấn Độ (B16172), có sự phát tán nhanh virus ra không khí, lây rất nhanh, rất nguy hiểm. Cường độ lây nhiễm gấp 2,5-2,8 lần so với chủng ban đầu, hơn 40% so với chủng virus Anh.
Trong khi đó hai ca bệnh này có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người nên tiềm ẩn khả năng lây lan cộng đồng rất cao.
|
Sở Y tế nhận định, nguồn lây từ hai ca bệnh ở Bình Dương trở về là chủng Ấn Độ (B16172), |
Ngành chức năng cho hay, tại nhà tắm nước ngọt công cộng biển Xuân Hải – Lộc Hà là nơi phát tán lượng virus mạnh nhất của hai ca bệnh. Ổ dịch này phát hiện 7 ca mắc COVID-19 với tốc độ siêu lây nhiễm vào ngày 3/6.
Ngoài nguồn lây trên, ngành y tế cũng dự báo khả năng sẽ có nguồn lây thứ 2 vì trên một vài bệnh nhân yếu tố dịch tễ chưa được rõ ràng. Một số mẫu đang được chuyển ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định chủng virus.
|
Đoàn chuyên gia Bộ Y tế kiểm tra một số điểm chốt phong tỏa dịch ở Hà Tĩnh. |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Thanh - GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, điểm tắm nước ngọt công cộng ở Lộc Hà, nơi vị trí hai bệnh nhân đã đến được xác định là nơi siêu lây nhiễm của ca bệnh. Đặc biệt phát tán virus mạnh nhất vào ngày 3/6. “Đây là ổ dịch siêu lây nhiễm. Nhiều ca nhiễm mới phát hiện đây cũng có lịch trình di chuyển đến địa điểm này”, ông Thanh thông tin.
|
Ông Lê Ngọc Châu phát biểu tại buổi làm việc. |
Ông Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân tích, qua xét nghiệm mẫu, thì nghi vấn người chồng đã lây nhiễm cho vợ. Sau đó mới lây sang người khác. “Nguồn lây nhiễm này được xem là siêu lây nhiễm, mạnh nhất vào ngày ngày 3/6. Thời gian tới địa phương cần tăng cường lực lượng lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến các ca bệnh”, ông Thái cho hay.
Còn liên quan đến 3 ca đi xét nghiệm dịch vụ phát hiện dương tính với SAR-CoV-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Lê Ngọc Châu đề nghị cần xem xét việc mở rộng điểm xét nghiệm dịch vụ cho người dân tại các địa bàn trên toàn tỉnh. “Mới đây, có 3 bệnh nhân đi xét nghiệm dịch vụ tại một bệnh viện tư nhân thì phát hiện bị mắc COVID-19. Vì thế, cần xem xét mở rộng một số điểm xét nghiệm trên toàn tỉnh để kiểm tra lấy mẫu”, ông Châu cho hay.
|
TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng cụ Y tế Dự phòng trong buổi làm việc tại TP Hà Tĩnh. |
TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng cụ Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đánh giá số lượng F1 tại Hà Tĩnh vô cùng lớn nguy cơ lây nhiễm cao cần phải giám sát chặt chẽ. “Việc truy vết cơ sở nồng cốt phải là người có kiến thức về y tế, đã được tập huấn. Truy vết F1 trước sau đó mới đến F2. Thời gian này, Hà Tĩnh cần phải đảm bảo phòng chống dịch ở các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn”, TS Đặng Quang Tấn chia sẻ.