Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho biết, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30% tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn.
Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng...
|
Ảnh minh họa. |
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.
Phân tích về nguyên nhân ly hôn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Đức - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, có những lý do bắt đầu từ chính những biến động mang tính tích cực của xã hội hiện đại. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Đức, chính sự bình đẳng giới đã đem lại sự chủ động, độc lập về kinh tế, cũng như sự đòi hỏi đáp ứng nhu cầu cá nhân ngày càng cao khiến con người không dễ chấp nhận hoặc cam chịu dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở các gia đình ngày càng tăng.
Nhìn vào thực tế, tỷ lệ ly hôn ở những gia đình mà vợ chồng là viên chức, trí thức, các nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại cao hơn những gia đình công nhân, nông dân. Điều kiện kinh tế phát triển, dân trí càng cao, điều kiện tiếp xúc xã hội càng nhiều, thì sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu cá nhân càng lớn, và điều đó đang là một trong những nguyên nhân khiến gia đình ngày càng kém bền vững.
Ngoài ra, các nghiên cứu này cũng chỉ ra một số thực trạng bất ngờ. Chẳng hạn như các cặp vợ chồng sống riêng hay phụ nữ càng có nhiều con thì càng ít ly hôn. Điều này cho thấy việc sống chung cùng bố mẹ đôi khi gây ra những mâu thuẫn không thể hóa giải dẫn đến ly hôn.