Càng trong lúc khó khăn hoạn nạn, vợ chồng lại càng phải yêu thương và che chở nhau. Bởi cuộc đời chẳng ai nói trước được điều gì. Hôm nay bạn bao bọc người khác, ngày mai đối phương sẽ trả lại cho bạn gấp nhiều lần.
Cô vợ mang thai vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh
Hiền (29 tuổi) chia sẻ cô bị mất việc cách đây 1 năm, khi dịch bệnh diễn ra. Lúc ấy cô và Trung vừa kết hôn hơn 1 năm và vẫn chưa sinh con.
“Không xin được công việc mới, tôi đành đi giao hàng cho mấy mối bán online. Phụ nữ làm shipper rất mệt nhưng tôi không muốn dựa dẫm vào chồng, dù mức lương của anh ấy có thể lo được cho cả hai người”, Hiền kể.
Hiền cảm thấy may mắn vì vợ chồng cô chưa sinh con. Kinh tế khó khăn, chẳng những cô và Trung phải vất vả mà con cũng sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Thu nhập làm giao hàng kém lúc trước rất nhiều, vì sức khỏe cô có hạn, không giao được lượng lớn đơn hàng mỗi ngày.
Cô và Trung vốn chia đôi tiền sinh hoạt, hiện tại cô chỉ đóng góp được 1/5 chi phí hàng tháng. Chính điều đó khiến Trung không hài lòng.
“Rồi tôi mang thai ngoài kế hoạch. Cũng do làm shipper không cố định thời gian, nhiều khi đi giao hàng về muộn, tôi quên uống thuốc tránh thai. Vì chuyện đó mà chồng càng khó chịu và bất mãn. Thấy thái độ của chồng, tôi không dám nghỉ việc mà vẫn tiếp tục đi làm”, Hiền cho hay.
Bố mẹ Hiền ở quê không có điều kiện, dù mất việc cô cũng chẳng dám tâm sự thật với ông bà. Những khó khăn gặp phải, cô đều tự mình chịu đựng và giải quyết.
Mang thai những tháng đầu chưa ổn định lại vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh, Hiền bị động thai khi em bé được 3 tháng tuổi.
Sự lạnh lùng của chồng và quyết định cuối cùng từ cô vợ
Hiền một mình nhập viện, dù Trung biết tin nhưng mãi sáng hôm sau anh mới vào viện. “Chồng tôi lấy lý do tối đó phải đi tiếp khách. Cứ cho là vậy thì anh ta cũng chẳng được lời nào hỏi thăm tôi cả”, Hiền kể.
Trung đi tay không vào thăm vợ và mang theo vẻ mặt tức giận không kiên nhẫn. Nhìn Hiền yếu ớt nằm trên giường bệnh, anh không một lời hỏi han.
“Vẫn ngồi đây khỏe mạnh thế này nghĩa là không sao còn gì!”, Trung gắt gỏng khi Hiền tủi thân trách móc.
Sau đó anh thậm chí còn lên tiếng trách móc vợ không biết giữ gìn để đến mức động thai:
“Cô đi làm thế nào mà để đến mức này? Biết đang mang thai thì phải đi đứng cẩn thận, đừng để xảy ra sự cố gì chứ? Mà tính cô vốn hậu đậu, bất cẩn và vô dụng từ xưa rồi.
Đi làm thì bị mất việc, tới chuyện tránh thai cũng chẳng xong, giờ có bầu lại bị động thai. Chắc cô không cần người chăm sóc đâu nhỉ, mà vẫn còn tiền đúng không? Thôi cứ ở đây đi, lúc nào ra viện thì gọi, rảnh tôi sẽ đến đón!”.
Rồi Trung đùng đùng bỏ về trong sự ngỡ ngàng của Hiền cùng các thai phụ chung phòng bệnh. Trước ánh mắt thương hại, đồng cảm của nhiều người, Hiền không kiềm chế được mà rơi nước mắt.
5 ngày sau Trung không thấy vợ gọi điện, anh bực dọc vì vợ phải nằm viện lâu.
Chẳng biết tiền làm shipper của Hiền có đủ trả viện phí, hay anh vẫn phải cho thêm? Hiền nghỉ làm, Trung phải bỏ nhiều tiền chi tiêu hơn, anh bực bội vì kế hoạch mua ô tô đổ bể.
Trưa hôm ấy Trung tranh thủ ghé qua viện thì bất ngờ thấy trên giường bệnh của Hiền là 1 thai phụ khác.
Hóa ra Hiền đã xuất viện, song cô không về nhà. Anh gọi cho vợ, Hiền bảo cô tìm được việc rồi, ăn ở tại chỗ làm, đơn ly hôn sẽ gửi đến cho Trung sau.
“Người nhà một thai phụ chung phòng bệnh thấy hoàn cảnh tôi vất vả quá, sau khi trò chuyện thì bảo tôi đến phụ làm may cho cửa hàng của con gái bác ấy.
Tôi vốn thích may vá từ xưa, cũng có chút tài lẻ. Công việc không phải đi lại, mang vác nặng lại lương cao, còn có chỗ ăn ở, rất phù hợp với tôi đang mang bầu”, Hiền cho hay.
Sau đó Trung vài lần gọi tới, xuống nước bảo cô về nhưng Hiền từ chối.
Trong lúc yếu ớt và khó khăn nhất cần Trung giúp đỡ nhưng anh lại tàn nhẫn quay lưng, người đàn ông như vậy không xứng đáng để cô gọi là chồng.
Theo Pháp luật và bạn đọc