Triệu chứng lạ ở một số bệnh nhân COVID-19

Google News

Nhóm chuyên gia tại Mỹ phát hiện nCoV không chỉ tấn công phổi và các cơ quan nội tạng khác, nó còn xâm nhập tai trong.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 báo cáo về triệu chứng đau, ù tai hay mất thính lực, gặp khó khăn khi đứng thăng bằng, dễ chóng mặt. Nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm Massachusetts Eye and Ear, Mỹ, đã phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Virus xâm nhập và gây viêm ở tai trong

Trong bài báo công bố trên tạp chí Communications Medicine ngày 30/10, nhóm chuyên gia cho hay nCoV có thể lây nhiễm sang tai trong, bao gồm tế bào lông - vốn rất quan trọng với khả năng nghe và cân bằng. Điều này khiến bệnh nhân COVID-19 gặp hàng loạt triệu chứng lạ nói trên.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 được khảo sát, 10 người báo cáo tình trạng tai và khả năng nghe bị ảnh hưởng (9 người bị ù tai, 6 người bị chóng mặt). Tất cả đều bị mất thính lực từ nhẹ đến nặng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện tế bào lông của tai trong có biểu hiện của protein tăng đột biến giúp nCoV xâm nhập tế bào. Những protein này gồm thụ thể ACE2 và hai enzyme furin, protease xuyên màng. Chúng giúp virus dễ dàng “mua chuộc” tế bào vật chủ, nhanh chóng lây lan và gây viêm nhiễm.

Trieu chung la o mot so benh nhan COVID-19

Nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts phát hiện ngày càng nhiều F0 báo cáo về tình trạng, đau, ù tai và mất thính lực, giảm khả năng thăng bằng khi mắc COVID-19. Ảnh: iStock.

Nhóm tác giả chỉ ra nCoV không chỉ xâm nhập, tấn công phổi mà giờ đây, chúng còn có thể lây nhiễm vào tai trong, đặc biệt là ở các tế bào lông (Schwann). Đặc biệt, khi nghiên cứu trên nhóm, họ phát hiện tế bào lông ốc tai của chuột cũng chứa các protein giúp nCoV xâm nhập. Ảnh hưởng ở các tế bào lông ốc tai có thể gây mất thính giác.

Vì vậy, nhóm chuyên gia khá chắc chắn với giả thuyết nCoV đã xâm nhập vào tai trong của bệnh nhân và gây viêm, tạo thành các cơn đau, ảnh hưởng thính lực. Con đường giúp nCoV xâm nhập vào tai là ống Eustachian (nối tai giữa và vòm họng).

Theo Konstantina Stankovic, PGS Trường Y Harvard, cựu Trưởng khoa Tai - Thần Kinh tại Trung tâm Massachusetts Eye and Ear, đồng tác giả, virus cũng có thể thoát ra khỏi mũi qua các lỗ nhỏ xung quanh dây thần kinh khứu giác. Điều này cho phép nó xâm nhập vào không gian não và lây nhiễm các dây thần kinh sọ não, bao gồm cả dây thần kinh kết nối với tai trong.

Câu hỏi chưa thể giải mã

Tình trạng mất thính lực, mất thăng bằng hay ù tai đã được nhiều F0 báo cáo, song, nhóm tác giả cho hay tỷ lệ bao nhiêu F0 gặp phải vấn đề này chưa có thống kê cụ thể.

“Các bệnh nhân khi có kết quả mắc COVID-19 hầu hết đều lo lắng về biến chứng đe dọa tính mạng hơn. Họ ít chú ý đến việc thính lực có bị giảm hay gặp tình trạng ù tai không. Chúng tôi vẫn chưa biết bao nhiều F0 gặp vấn đề về tai khi mắc COVID-19. Với nghiên cứu này, chúng tôi kêu gọi giới chuyên gia cần chú ý hơn tới triệu chứng ở tai của bệnh nhân COVID-19 bởi xu hướng các ca gặp phải ngày càng tăng”, PGS Konstantina Stankovic cho biết.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát triển được phương pháp điều trị mới cho người bị nhiễm trùng tai trong do nCoV và các virus khác gây ra.

Trieu chung la o mot so benh nhan COVID-19-Hinh-2

Các vấn đề liên quan tai là triệu chứng lạ được nhiều người báo cáo khi mắc COVID-19, song, giới chuyên gia chưa có thống kê cụ thể. Đồ họa: MIT.

Trước khi COVID-19 xuất hiện, PGS Stankovic và GS Lee Gehrke, Viện Khoa học và Kỹ thuật Y tế tại MIT, đã phát triển các mô hình tế bào nhằm nghiên cứu nhiễm trùng tai trong của con người. Họ nhận thấy các virus như cytomegalovirus, quai bị và viêm gan đều có thể gây điếc, nhưng chính xác cơ chế gây ra điều này vẫn là ẩn số.

Đầu năm 2020, sau khi nCoV gây ra đại dịch trên toàn cầu, nhóm chuyên gia đã thay đổi kế hoạch nghiên cứu. Tại Trung tâm Massachusetts Eye and Ear, bà Stankovic phát hiện nhiều người báo cáo về tình trạng mất thính lực, ù tai, chóng mặt. Sau đó, họ đều có kết quả dương tính với nCoV.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các tài liệu y tế trên thế giới cảnh báo dấu hiệu thường gặp là mất vị giác, khứu giác, sốt, ho khan, khó thở, mệt mỏi.

Tuy nhiên, các biến chủng mới xuất hiện ngày càng nhiều, phức tạp hơn và lan ra toàn cầu. Hàng loạt triệu chứng mới cũng được báo cáo, nhất ở với các bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta.

Giáo sư dịch tễ học Tim Spector, Đại học King's College London, Anh, đồng tác giả của nghiên cứu triệu chứng COVID-19 Zoe, đã cảnh báo biến chủng Delta dường như đã thay đổi các dấu hiệu nhiễm nCoV thông thường.

News Channel 8 đưa tin ngày 24/8, huấn luyện viên trưởng của Tennessee Titans - Mike Vrabel - thức dậy với cơn đau họng, đau tai. Sau đó, người đàn ông này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

Các bác sĩ cũng nhận thấy nhiều F0 gặp tình trạng tương tự. Theo Giám đốc Y tế Bệnh viện Trung tâm Tampa, Mỹ, lý do khiến nhiều bệnh nhân bị đau tai khi nhiễm biến chủng nCoV là tác động của tình trạng tổn thương họng, viêm họng. Bà cũng cảnh báo F0 nhiễm biến chủng Delta không chỉ gặp tình trạng đau tai, nó thường đi kèm nhiều triệu chứng khác, đặc biệt là đau họng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến chủng Delta có khả năng lây lan gần gấp đôi so với các biến chủng trước đó. Tỷ lệ lây lan của nó tương đương bệnh thủy đậu. SARS-CoV-2 nhanh chóng tái tạo trong cơ thể, bệnh nhân có tải lượng virus lớn trong mũi, cổ họng.

Nghiên cứu trên tạp chí Prevention cho biết ù tai, thường xuyên nghe thấy tiếng chuông, gầm, lách cách trong tai cũng liên quan tình trạng mắc COVID-19.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa Houston Methodist, Texas, Mỹ, công bố trên tạp chí Nature's Scientific Reports hồi tháng 9 cho thấy sau khi khỏi bệnh, các F0 vẫn gặp phải nhiều tình trạng về sức khỏe. Trong đó, một số người báo cáo về tình trạng ù tai, đổ mồ hôi trộm.

Theo Thiên Nhan/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)