PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, biểu hiện của gan nhiễm mỡ đôi khi chỉ là các dấu hiệu trên da hoặc không có gì rõ ràng. Sau đó bệnh có thể gây rối loạn chức năng gan, gây viêm gan, xơ gan, suy gan và ung thư. Những người bị gan nhiễm mỡ, thường bị xơ vữa mạch, cao huyết áp nên dễ bị tử vong do các bệnh lý tim mạch và bệnh lý của não hơn những người không bị.
50% bệnh nhân siêu âm ổ bụng có gan nhiễm mỡ
Gần đây, anh N.V.Q., (38 tuổi, Thái Nguyên) thấy người mệt mỏi, chán ăn, bụng ấm ách, tức ngực. Anh đi khám xét nghiệm máu thì chỉ số Triglyceride là 14mmol/l gấp gần 10 lần bình thường. Siêu âm hàm lượng mỡ chiếm trên 40% trọng lượng gan và có biểu hiện xơ cứng.
Trường hợp khác, anh Đ.V.T, (17 tuổi, Hà Nội) thể trạng béo phì đi bệnh viện kiểm tra thì mới hay mỡ phủ trắng gan.
Hình ảnh bệnh nhân bị gan trắng vì đầy mỡ.
Ghi nhận của PV Khoa học & Đời sống tại các phòng siêu âm tỷ lệ người bị gan nhiễm mỡ chiếm tới gần 50% người bệnh tới khám. Trước đây, chủ yếu nam giới uống nhiều rượu bia trên 45 tuổi mới bị gan nhiễm mỡ thì hiện tại gặp ở mọi lứa tuổi có cả trẻ 7 – 8 tuổi cũng bị và đặc biệt đang gia tăng ở lứa tuổi trẻ 20 – 30.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, gan nhiễm mỡ đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng báo động trong cuộc sống hiện đại. Thống kê cho thấy, có khoảng 20-30% người dân Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ và tỷ lệ này gia tăng đến 57,5- 74% ở những người béo phì, tiểu đường typ II là 10- 75%, tăng lipid máu là 20- 92%.
Nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ tăng gấp 4,6 lần ở những người béo phì, nhất là dạng béo bụng nhưng ngay cả khi bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường, người gầy, ăn chay trường cũng bị mắc bệnh.
Bệnh không chỉ gặp ở người trung niên mà cả lớp trẻ với tỷ lệ khá cao, trung bình cứ 10 người làm xét nghiệm lâm sàng thì có 6 người bị gan nhiễm mỡ.
Thống kê của Hội gan mật Việt Nam cho thấy, khoảng 50-60% dân số Việt Nam trưởng thành bị bệnh gan nhiễm mỡ.
Phẫu thuật giảm béo cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ - Ảnh BSCC
Triệu chứng cảnh báo gan nhiễm mỡ
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Y dược, Đại học quốc gia (Hà Nội) cho biết, gan nhiễm mỡ còn gọi là thoái hoá mỡ gan. Còn gọi là tình trạng tích lũy chất béo trong gan > 5% trọng lượng gan, có thể được phân loại thành bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD) và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
AFLD thường do uống quá nhiều rượu trong khi NAFLD có liên quan đến các yếu tố như béo phì, kháng insulin và hội chứng chuyển hóa. Thói quen ăn uống kém như tiêu thụ quá nhiều đường, carbohydrate tinh chế...
Gan nhiễm mỡ có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau bụng và một số có thể biểu hiện ở mặt và da:
Trứng cá đỏ: Là bệnh da mạn tính, triệu chứng đặc trưng là những vết sưng nhỏ, đỏ, đầy mủ trên da xuất hiện khi bùng phát. Đây cũng có thể là triệu chứng của gan nhiễm mỡ. Các triệu chứng khác nhau tùy theo màu da, thường rõ ràng hơn ở làn da sáng nhưng khó nhìn thấy ở người da sẫm màu. Thông thường bệnh chỉ ảnh hưởng đến da mặt, mũi, má, trán.
Vàng da, mắt: Da, mắt chuyển sang màu vàng do bệnh vàng da, xảy ra khi chất bilirubin tích tụ quá mức trong máu. Ở người bệnh gan nhiễm mỡ, chức năng gan bị suy giảm làm cản trở sự phân hủy của bilirubin, góp phần gây vàng da.
Ngứa da: Ngứa có thể do tắc nghẽn hoặc kích ứng ống mật. Tình trạng viêm và tổn thương tế bào gan do gan nhiễm mỡ làm gián đoạn dòng chảy của mật, dẫn đến tích tụ axit mật trong máu, gây ngứa.
Lòng bàn tay đỏ ửng: Lòng bàn tay đỏ lên có thể do lưu lượng máu đến bề mặt da tăng lên. Trong các bệnh về gan như bệnh gan nhiễm mỡ, sự thay đổi tuần hoàn và nội tiết tố góp phần gây ban đỏ ở lòng bàn tay.
U vàng quanh mí mắt: Đây là tình trạng những mảng hoặc vết sưng màu vàng có thể phát triển trên da, xung quanh mí mắt. Nó cũng xảy ra ở người bị rối loạn chức năng gan, bao gồm cả bệnh gan nhiễm mỡ.
Khô da: Mất nước và suy giảm chức năng gan đều góp phần gây khô da. Gan nhiễm mỡ làm giảm khả năng sản xuất một số protein, lipid cần thiết cho sức khỏe của da, dẫn đến khô kèm theo bong tróc.
Mụn thịt dư: Mụn thịt này thường là những khối u nhỏ, mềm, có bề mặt trơn láng, lành tính. Chúng thường hình thành ở vị trí da tiếp xúc nhiều với ánh nắng như mặt, cổ hoặc vùng cọ xát da nhiều như nách, bẹn. Tình trạng kháng insulin thường gặp ở người bệnh gan nhiễm mỡ, làm phát triển các khối u này.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm béo cho bệnh nhân béo phì gan phủ đầy mỡ - Ảnh PV
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TP HCM cảnh báo, ở giai đoạn đầu, bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện những triệu chứng mơ hồ, dễ bị bỏ qua hay nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác.
Một số triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải như: Nước tiểu sẫm màu hoặc phân trắng; Bụng hoặc gan to hơn; Cơ thể cảm thấy mệt mỏi; Béo phì.
Trong đó, béo phì được xem là yếu tố có nguy cơ nhất đối với những trường hợp bị gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy, béo phì là một trong những lý do khiến bệnh nhân bị tích tụ mỡ ở trong gan (chiếm khoảng 75%).
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, gan nhiễm mỡ là bệnh phổ biến và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.
Ở thể nhẹ, gan nhiễm mỡ không có biểu hiện gì nhưng sau đó gây rối loạn chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao ảnh hưởng tới tim mạch... và đặc biệt lâu dài sẽ gây viêm gan và 20% có biến chứng xơ gan, ung thư và suy gan...
Nghiên cứu cho thấy, người bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ xơ cứng gan, ung thư gan cao gấp 150 lần bình thường.
Đặc biệt, những người bị gan nhiễm mỡ, thường bị xơ vữa mạch, cao huyết áp nên dễ bị tử vong do các bệnh lý tim mạch và bệnh lý của não hơn những người không bị.
Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
- Không nên uống bia rượu hoặc nếu có thì chỉ nên uống có chừng mực: Uống quá nhiều rượu bia không chỉ gây hại cho gan mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh lý khác.
- Khi đang dùng thuốc điều trị thì cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh uống bia rượu khi đang sử dụng một số loại thuốc chuyển hóa tại gan, để hạn chế nguy cơ tổn thương gan.
- Bảo vệ cơ thể, tiêm phòng để tránh để nhiễm virus gây viêm gan.
- Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh như rau củ, ngũ cốc và trái cây, những loại thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bị thừa cân nên có kế hoạch giảm cân khoa học bằng cách có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ để tránh gây hại cho sức khỏe.
- Thường xuyên hoạt động thể chất, tập thể dục đều đặn