TS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, bệnh nhân là Phạm Thị Hằng (27 tuổi, Hải Hậu, Nam Định), nhập viện cách đây hơn 1 tháng trong tình trạng bị trầm cảm rất nặng: Không ăn, không uống, không nói chuyện và chống đối điều trị quyết liệt.
Theo mẹ chồng chị Hằng, sau khi sinh con thứ nhất, con dâu bà có những biểu hiện bất thường như rửa tay liên tục, sợ sệt nhưng mọi người nghĩ là biểu hiện bình thường sau sinh nên không để ý.
|
Chị Hằng gầy gò, trầm cảm nặng khi mới nhập viện. Ảnh: BSCC |
Cho đến khi chị Hằng sinh con thứ 2 cách đây 5 tháng, các biểu hiện dần nặng lên như không ăn, không ngủ, không uống thuốc, lẩn thẩn... thậm chí còn định tự sát.
Tình trạng này kéo dài suốt 5 tháng ròng khiến chị Hằng bị sụt cân nghiêm trọng, từ 57kg còn 24kg. Khi vào bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, chị Hằng gầy gò, xanh xao, mắt trũng sâu, trán dô ra.
Theo TS Phương, bệnh nhân Hằng là một trong những trường hợp trầm cảm sau sinh thể nặng. Do bệnh nhân chống đối quyết liệt nên các bác sĩ phải trộn thuốc an thần vào sữa và cho ăn qua đường xông.
"Sau đó bệnh nhân được điều trị bằng cách kích từ xương sọ. Đây là phương pháp chữa trầm cảm mới nhất hiện nay, giúp bệnh nhân không cần dùng thuốc và giảm được các tác dụng không mong muốn của thuốc", TS Phương chia sẻ.
Sau gần 1 tháng điều trị, hiện chị Hằng đã tăng thêm được gần 4kg, giao tiếp vui vẻ và có thể được xuất viện trong nửa tháng tới.
80% bệnh nhân trầm cảm muốn tự sát
Theo TS Phương, số lượng người bị trầm cảm chiếm khoảng 20% dân số thế giới với 3 thể: Nhẹ, vừa, nặng. Trong đó giai đoạn đầu rất khó phát hiện.
Riêng trầm cảm nặng phân làm 2 loại: Không loạn thần (với biểu hiện buồn thảm, ủ rũ, bi quan, chán nản) và loạn thần (hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh xui khiến như: tự tử, giết người, không ăn, bỏ nhà và nhảy lầu là nguy hiểm nhất).
|
TS Tô Thanh Phương. Ảnh: T.Hạnh |
"Nếu bị ảo thanh kéo dài ngoài 6 tháng là không thể chữa khỏi", TS Phương nhấn mạnh.
Số liệu thống kê cho thấy 80% bệnh nhân trầm cảm nặng bị ảo thanh định tự sát, 15% trong đó đã tự sát thành công.
Với trầm cảm sau sinh, tỉ lệ này chiếm khoảng 0,15% số phụ nữ sinh đẻ. Mỗi năm bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tiếp nhận 20-30 bệnh nhân.
Theo TS Phương, mất ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và tỉ lệ này ngày càng lớn nhưng ít người để ý, có trường hợp trắng đêm không ngủ 8-12 năm.
Đáng lưu ý, nhiều người mất ngủ tự ý dùng thuốc trị mất ngủ thay vì nghĩ đến trầm cảm, trong đó uống nhiều melatonin có thể làm teo tuyến tùng.
TS Phương cho biết, điều trị trầm cảm phải kết hợp thuốc và tâm lý, trường hợp nặng có thể phải dùng sốc điện, kích từ.
Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn sẽ áp dụng những loại thuốc trầm cảm khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các thuốc trầm cảm đều có tác dụng phụ không mong muốn như tác động hệ tim mạch khiến tim đập nhanh, dùng lâu có thể gây suy tim nên người già dùng nguy hiểm, tác động hệ tiết niệu gây bí tiểu rồi gây táo bón, khô miệng, rối loạn tình dục...
3 triệu chứng phát hiện sớm trầm cảm
TS Phương lưu ý, khi nhận thấy những dấu hiệu sau ở bản thân hoặc người thân, cần nghĩ ngay đến trầm cảm:
- Khí sắc giảm, buồn rầu, tình trạng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần.
- Giảm nhiệt tình, giảm hứng thú, không còn ham muốn với những sở thích trước kia.
- Giảm năng lượng: Người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì nhỏ nhẹ cũng thấy mệt. Mệt mỏi tăng về buổi sáng.
Ngoài ra có các triệu chứng phụ: Cảm thấy bi quan, chán nản về tương lai, tiến độ, giảm lòng tự trọng, tự tin, có những ý tưởng và hành vi tự sát, chán ăn, không muốn ăn, có những người từ chối ăn, rối loạn giấc ngủ có tính chất tăng dần...
Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):