Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, bệnh nhân 793 (BN793) là người đàn ông 58 tuổi quê Bắc Giang đã được kết thúc ECMO (tim phổi nhân tạo) từ ngày 4/9, rút ống nội khí quản ngày 5/9. Đến chiều tối qua 7/9, bệnh nhân đang thở oxy kính mũi, huyết động ổn định. Bệnh nhân đã có thể tự ăn đường miệng được. Đây là ca bệnh COVID-19 nguy kịch thứ 2 phải dùng ECMO (tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sau bệnh nhân 19) và thở máy xâm nhập được điều trị thành công.
BN793 là ông nội của bệnh nhân 794 và 744; là bố của BN673 và là chồng của BN674. Ông được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cách ly từ hôm 5/8, tới 7/8 phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Trước đó ông cũng được CDC Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm nhưng âm tính.
Hôm 14/8, BN793 được chuyển lên Khoa Điều trị tích cực với tình trạng nặng. Trong ngày, bệnh nhân bắt đầu có cơn sốt trở lại. 12 ngày sau, vào sáng 24/8, bệnh nhân phải đặt ECMO do tình trạng viêm phổi của bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu, 80% phổi bị tổn thương, nhiễm trùng chưa cải thiện.
Ngày 26/8, bệnh nhân được cho chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) do tình trạng tổn thương phổi tăng. Phương pháp này được cho là để giảm áp lực lên phổi đang viêm, bởi khi phổi vẫn phải thực hiện chức năng trao đổi khí, tình trạng tổn thương sẽ nặng hơn và thời gian điều trị có thể lâu hơn. Ngoài ra, việc chạy ECMO cũng giúp phổi nghỉ ngơi để điều trị nhiễm trùng tốt hơn.
"Trường hợp này khó tiên lượng trước. Chỉ khi bệnh nhân cai được ECMO, rủi ro của bệnh nhân mới có thể giảm xuống" - chuyên gia Hồi sức tích cực cho hay.
Về tình trạng nhiễm trùng phổi rất nặng của BN793, các bác sĩ thông tin, hiện đã xác định được căn nguyên gây nên tình trạng này là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Đây là loại vi khuẩn rất nguy hiểm bởi khi đã kháng thuốc thì khiến việc lựa chọn kháng sinh điều trị trở nên hạn hẹp hơn. Đa số các ca bệnh nặng ở nước ta, bao gồm cả các ca liên quan Đà Nẵng hiện nay đều gặp tình trạng này.