“Thủ thuật” nhõng nhẽo cao tay của người vợ

Google News

Có những người đàn ông bản chất rất tốt nhưng không có “sự dẫn lối chỉ đường của vợ” thì họ không biết cách thành chồng tốt...

Mặc nhiều người bóng gió rằng chị là người đàn bà “diễn” giỏi, chị vẫn cứ chọn cách ấy. Người ta nói gì không quan trọng bằng việc chị giữ được hạnh phúc gia đình mình. Mặc nhiều người hiềm ghen, dè bỉu chị là người vợ nhõng nhẽo, không bản lĩnh, chị vẫn vui vì chị giữ chồng mình chứ đâu phải níu kéo chồng người khác.
Công việc của chồng chị cũng khá bận rộn nhưng không đến nỗi phải đi tối ngày. Chỉ tại chồng chị có tính ham vui bạn bè nên nghe lời khích bác hay bị lôi kéo là lại quên đường về nên vợ con thường xuyên phải chờ đợi, lo lắng.
 Mặc nhiều người bóng gió rằng chị là người đàn bà “diễn” giỏi, chị vẫn cứ chọn cách ấy. Ảnh minh họa: Internet
Chị thì chẳng muốn nặng lời cãi vã. Nên chị “giả” chờ đợi để khi chồng về thấy vợ vẫn một mình ngồi bên mâm cơm thì phải thấy ân hận, day dứt. Mà kỳ thực là chị đã “lót dạ” trước đó rồi. Thế là thực ra chị đâu có nhịn đói đợi chồng mà chồng thì cứ áy náy tội lỗi nghĩ vợ phải đói vì mình!
Thỉnh thoảng, chị lại kêu than về sự đau nhức xương khớp, ê mỏi vai gáy như nhắc anh rằng vì chị đã sinh nở hai đứa con nên sức khỏe sa sút. Mà kỳ thực, chị cũng chẳng thấy đau lắm, vừa kêu vừa nhéo mắt sang xem phản ứng của chồng.
Rồi chị mềm mỏng: “Đau lắm, em chẳng ngủ được đâu. Anh bấm huyệt bàn chân cho em, không em chết mất thôi, lại khổ bố con anh thôi. Em thật là yếu...”. Nhiều khi muốn chồng phải nấu cơm, chị cứ năn nỉ: “Chồng nấu cơm cho em đi, cơm anh nấu ngon hơn. Bọn trẻ cứ đòi anh nấu kìa...”, rồi chị ra hiệu cho hai đứa con hưởng ứng vào nịnh bố. Thế là chị chỉ việc đứng bên cạnh cổ vũ.
Có khi hai vợ chồng cãi vã, chị bỏ vào phòng riêng nằm thườn thượt và lướt facebook nhắn tin xả giận với bạn. Nhưng nghe có tiếng bước chân anh tới, chị buông điện thoại, dụi cho đôi mắt ướt đỏ như khóc, đổi tư thế vắt chân chữ ngũ sang thả lỏng mềm oặt như thể chị đã đau lòng lâu lắm.
Có lần anh làm trái ý, chị bỏ sang nhà hàng xóm tám chuyện, đang cười, nhìn thấy dáng chồng từ xa tới, biết anh đi tìm, chị đổi sang buồn ủ rũ.
Thỉnh thoảng muốn có chai nước hoa mới, chiếc máy làm tóc đang mốt... chị cứ việc share nó lên facebook của mình với đôi lời ao ước như: “Người phụ nữ nào cũng hạnh phúc khi sở hữu em ấy”, “Mách các ông chồng chọn quà cho vợ”... Vậy là chồng chị tự hiểu tìm cách mang nó về.
Một lần chị ghen vì phát hiện anh “tà lưa” với cô người yêu cũ trong buổi họp lớp. Thế là chị viết đôi ba câu ủ rũ lên facebook. Không trách cứ, chỉ có buồn là “thủ đoạn” chị giăng ra để anh phải lo lắng về vợ. Anh toát mồ hôi khi đọc những câu “Nếu anh đi, thì sống còn ý nghĩa gì”, “Đôi khi em cứ nghĩ đã khiến anh hạnh phúc, hóa ra em sai, tại em không tốt, em sai rồi...”.
Nhiều người biết tính chị trách chị hay “ăn vạ” làm khổ chồng. Nhưng chị buồn cười vì chính họ lại đi than thở rằng họ khổ, chồng không chiều. Chị không tranh luận lại nhưng trong lòng chị nghĩ “vì họ không biết cách để người chồng phải chiều mình thôi”.
Có người bảo họ không diễn được như chị và cũng không phải diễn bởi vợ chồng bình đẳng thì chia sẻ thẳng thắn với nhau, sao phải là “vợ hèn”. Chị lại cười. Thực ra những người phụ nữ biết chủ động diễn vai người vợ nhõng nhẽo thì đâu phải dạng yếu đuối.
Đó là cách họ dẫn dắt đàn ông khi tin người đàn ông đó còn dẫn dắt được. Có những người đàn ông bản chất rất tốt nhưng không có “sự dẫn lối chỉ đường của vợ” thì họ không biết cách thành chồng tốt. Thậm chí, nhiều ông chồng muốn dỗ dành vợ nhưng cũng không biết cách nào nên người vợ phải ngầm chỉ cho họ cách dỗ mình, đợi những “soái ca” ngọt ngào, tâm lý, hiểu phụ nữ như trong phim thì tìm đâu dễ thấy ngoài đời.
Theo Như Bình/phunuvietnam

>> xem thêm

Bình luận(0)