Tết với mẹ Dung là lau chùi nhà cửa, quét dọn bàn thờ. Tết với các chị cô là về nội chán chê mới le te về ngoại. Tết với đám bạn bè là tay xách nách mang, áo quần chẳng dám mua màu trắng, giày thì lẹt bẹt vài phân vì còn tay bế tay bồng. Chưa tới tết đã thấy họ kêu, trong tết thấy họ chẳng vui chẳng buồn, sau tết thất thần như đi buôn cụt vốn. Còn Dung, tết là để tự thưởng cho bản thân, được vui chơi hay đi đâu tùy thích.
Không phải xấu hay vô duyên mà đến giờ Dung vẫn còn trong tình trạng độc thân. Đã có nhiều chàng trai đến trong cuộc đời, nhưng với cô nó chỉ là những làn gió mát thoảng qua, làm bạn thì được nhưng làm chồng thì còn xa vời lắm. Cũng chẳng phải khó tính để đưa ra chỉ tiêu này nọ, chỉ đơn giản là Vân chưa thật sự rung động mạnh bởi một ai và cũng bởi, cô chưa thật sự sẵn sàng để “nhập thế”.
Mẹ chính là thần tượng của cô vì mức độ hy sinh cho gia đình. Cái gì đẹp, ngon mẹ chỉ biết nhường nhịn cho con cái rồi đến chồng. Tuy nhiên, cô giận mẹ vì bà chẳng biết thế nào là hưởng thụ. Bảy mươi tuổi mẹ chỉ biết quẩn quanh với ruộng vườn, bảo đi chơi thì lại lắc đầu “tao xa ba mày đâu được”.
|
Ảnh minh họa. |
Rồi đến chị hai, chị ba, lấy chồng bằng tình yêu nhưng thỉnh thoảng vẫn bỏ nhà về mẹ, lại giãy đành đạch vì “anh ấy đi suốt ngày” hay “ổng cứ nhậu hoài, con chẳng tài nào chịu nổi”. Tội mấy đứa cháu, đêm đến lại nằng nặc đòi về vì “con về với ba cơ” trong khi mẹ chúng lại vùng vằng, chồng qua rồi mới chịu. Mỗi lần như thế, Dung thấy mẹ thở dài, lại ra chợ mua đồ ngon, điện thoại cho rể qua nhà chơi, nói ngon nói ngọt để cặp nào về nhà nấy.
Còn cái Hạnh – cô bạn thân nhất hành tinh, yêu và lấy anh bạn học chung thời mẫu giáo đến đại học. Chẳng gì thì chúng cũng đã tìm hiểu suốt mười mấy năm, đùng cái ly hôn. Gặp Dung, bạn cô thở dài thuồn thuột “ổng chẳng phải như tao vẫn biết”. Rồi một đống tật xấu như ở bẩn, ki bo, gia trưởng của chồng cứ tuồn tuột được lôi ra. Và như để minh họa chắc chắn cho điều mình đã kể, bạn cô rầu rầu “không tin mày cứ hỏi con tao là biết”.
Vốn là người cá tính và lạc quan, Dung không bị những mảng màu bi quan về chuyện chồng con của những người xung quanh cô chi phối. Chỉ có điều, nó giúp cô nhận diện được nhiều màu sắc trong cuộc sống hôn nhân. Và mẫu số chung của đàn bà sau khi lập gia đình đều bó chặt trong hai từ “bổn phận”. Đàn bà làm việc nhà chẳng đợi được chồng khen mà chỉ mong cảm thông chia sẻ. Cứ mải miết suốt ngày quẩn quanh bếp núc, áo áo quần quần cho đứa nọ tới đứa kia, về nhà bị phán quyết “việc đấy đàn bà không làm thì đàn ông làm chắc”. Số đàn ông biết chia sẻ cho vợ thì ít mà số đông hách dịch, hoạnh họe lại nhiều.
Thôi thì tùy duyên, duyên chưa tới sao cứ phải nôn nao, mẹ thỉnh thoảng giục cô, bạn bè nhắn tin “bao giờ mày chịu cưới”. Dung biết rằng, chẳng có hoàng tử cưỡi bạch mã đến rước cô như trong truyện cổ, chỉ có con Vaspa là trung thành cùng Dung đi qua những thành quách, vùng miền. Sau giờ tan tầm, muốn rủ đứa bạn nào đi chơi cũng nhận được cái lắc đầu ngoay ngoảy, Dung nhận ra: đi một mình đâu phải đã cô đơn. Thích thì ăn, không thích thì nằm, muốn làm nũng thì rúc vào nách mẹ. Thèm cà phê thì rủ thằng nhà kế bên nhiều chuyện, tám xong rồi thì bôi dầu thơm, mát xa mặt ngủ ngon lành. Trong giấc mơ của Dung chẳng có tiếng ọ ẹ ngái ngủ của chồng con, nếu thấy thích thì xin chị cho cháu lên chơi vài ngày để thấy làm dì cũng như làm mẹ, yêu thương cháu con thật nhiều nhưng cũng phải nạt nộ răn đe.
Lương hàng tháng, cô biếu mẹ ít tiền, phần quà cho cháu, còn lại bấy nhiêu cứ shopping thoải mái chẳng cần lo. Trong khi đó, tụi chồng con thì bạc mặt già nua vì chừng ấy tiền với bao nhiêu khoản không kể sao cho hết. Thương cho bạn, cho chị vét hầu bao giữa tháng, sấp ngửa ngược xuôi đắp đủ để qua ngày. Sớm làm gì khi tiếng hát ru con chứa đầy âu lo của mẹ, tiếng cha thở nhọc nhằn và những tờ đơn cân nhắc ký hay không.
Tết đến rồi, ai hỏi “lấy chồng chưa” chẳng làm Dung phải bận tâm buồn bã. Tết với cô là: một ba lô, một thẻ bỏ ít tiền, một xe máy đổ đầy xăng. Vì còn sức là phải còn rong ruổi. Đàn bà có hơn một việc phải làm chứ không riêng gì làm vợ, có hơn một người để yêu chứ chẳng nhất thiết yêu chồng mà quên đi giá trị bản thân. Lấy chồng muộn hay không lấy chồng có gì quan trọng, sao cứ phải lăn tăn mà hết tận hưởng những tháng ngày. Thanh xuân của đàn bà đâu chỉ có phụ thuộc ở chồng con mà xem lại mình yêu mình được bao nhiêu trong một ngàn lý do vớ vẩn. Tết của người độc thân là đi chơi, lên kế hoạch hò hẹn với tự do. Hội chị em có thấy thèm để ao ước, để giá mà… tớ cũng muốn giống cậu Dung ơi?