Sốt xuất huyết mà uống những thuốc này, mất mạng như chơi

Google News

Dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh sốt thông thường khác nên nhiều người chủ quan, tự mua thuốc cảm sốt về điều trị. Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm bởi các thuốc này có thể thành 'sát thủ giết người'.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dấu hiệu của sốt xuất huyết khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm xuất sốt huyết và điều trị kịp thời đúng bệnh.
Sot xuat huyet ma uong nhung thuoc nay, mat mang nhu choi
Ảnh minh họa: Internet 
Đối với phụ nữ mang thai, theo các BS cho biết bệnh sốt xuất huyết không dẫn tới dị dạng thai nhi. Tuy nhiên trong những hợp bị sốt xuất huyết nặng, xuất huyết nội tạng thì phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non.
Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng vì sốt xuất huyết gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. 
Thực tế cho thấy, aspirin có tác dụng để hạ sốt và giảm đau (mức độ nhẹ và vừa) nhưng chỉ an toàn khi sử dụng ở người khỏe mạnh, bình thường, không có các bệnh lý như hen, dị ứng, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy gan, suy thận, người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu...
Paracetamol (Acetaminophen) là một thuốc được khuyến cáo sử dụng tương đối an toàn để hạ sốt trong sốt xuất huyết nhưng liều lượng cũng phải được tính toán kỹ theo lứa tuổi, không được sử dụng quá liều.
Liều dùng trong điều trị sốt xuất huyết như sau: Một lần: 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg). Một ngày: 2-3 lần (1.500mg-2.250mg).
Nếu sử dụng quá liều hoặc trong một số trường hợp nhạy cảm, Paracetamol có thể gây tổn thương gan, làm nặng thêm rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan. Vì vậy, trước khi dùng thuốc hạ sốt nên kết hợp các biện pháp khác như chườm mát, nằm nơi thoáng đãng, bù đủ lượng dịch cho bệnh nhân để tăng hiệu quả hạ sốt của thuốc.
Thuốc kháng sinh không được sử dụng trong sốt xuất huyết trừ trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng (như bệnh nhân nặng phải thở máy, bệnh nhân đang kèm viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu...). 
Đối với trường hợp bắt buộc phải dùng kháng sinh, hết sức lưu ý các hoạt chất có thể làm giảm số lượng tiểu cầu (như Cetriaxone, Vancomycin, Sulfonamide). Khi sốt xuất huyết có biểu hiện suy gan, suy thận, các kháng sinh gây độc cho gan và thận phải được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng như Amikacin, Ciprofloxacin...
Corticoid không được sử dụng trong sốt xuất huyết do không được chứng minh là có hiệu quả mà thậm chí còn gây hại như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Một số thuốc khác cũng có khả năng làm giảm tiểu cầu như thuốc giảm tiết dịch vị (Ranitidin, Cimetidin), lợi tiểu (Chlorothiazide, Hydrochlorothiazide) cũng nên tránh dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Cần làm gì khi bị sốt xuất huyết?
Nếu sốt xuất huyết ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền nếu có chỉ định của bác sĩ…
Nếu người bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.
Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol bù dịch.
Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị.
Lúc đó người bệnh sốt xuất huyết sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.
Theo Thái Hà/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)