Theo The Independent, các chuyên gia đã kêu gọi người Anh không nên vội vàng bắt đầu bất kỳ “chế độ ăn kiêng theo mốt” nào với hứa hẹn có thể giảm cân nhanh chóng vào năm 2023.
Hiệp hội Dinh dưỡng Anh (BDA) cho biết các thành viên của cộng đồng nên chỉ trích bất kỳ lời khuyên nào về chế độ ăn uống được cho là giải pháp giảm cân nhanh chóng bởi chúng có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Những chế độ ăn kiêng như “chế độ ăn kiêng nước”, “chế độ ăn trứng luộc” là những ý tưởng và đề xuất mà các chuyên gia dinh dưỡng phải khuyên chưa thể thực hiện vào năm 2022.
Marcela Fiuz, người phát ngôn của BDA, nói việc tập trung vào giảm cân trong khi thực hiện các quyết tâm cho năm mới có thể “dẫn đến hiệu ứng yoyo (là quá trình bạn ăn kiêng để giảm cân, sau đó tăng cân và rồi lại ăn kiêng thêm lần nữa) hoặc giảm cân theo chu kỳ (giảm cân rồi tăng lại nhiều lần). Điều này có thể gây hại cho sức khỏe”.
Chế độ ăn kiêng để kịp với mục tiêu giảm cân cho năm mới cũng khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn ở những người mắc chứng rối loạn ăn uống.
Theo tổ chức từ thiện về rối loạn ăn uống Beat, khoảng 1,25 triệu người ở Anh mắc chứng rối loạn ăn uống.
Nichola Ludlam-Raine, chuyên gia dinh dưỡng và là thành viên của BDA, cũng cảnh báo xu hướng “New Year, New You" thực sự gây tổn hại đến lòng tự trọng của mọi người vì xu hướng này khiến “mọi người tin họ không đủ tốt như họ vốn có”.
"Sự thật hoàn toàn ngược lại và chúng ta phải dựa vào lòng tự trọng của mọi người để tạo ra những thay đổi tích cực đối với chế độ ăn uống, tập trung vào những gì chúng ta nên ăn như tăng chất lỏng và chất xơ thay vì tập trung vào việc ăn kiêng", chuyên gia dinh dưỡng Nichola Ludlam-Raine giải thích.
BDA đại diện cho hơn 10.500 chuyên gia dinh dưỡng trên khắp Vương quốc Anh và đang làm việc với Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA) để báo cáo thông tin sai lệch, gây hiểu lầm trong các quảng cáo về chế độ ăn kiêng.
Miles Lockwood, Giám đốc phụ trách khiếu nại và điều tra tại ASA, cho biết: "Các quy tắc của chúng tôi làm rõ rằng các nhà quảng cáo không được gây hiểu lầm hoặc vô trách nhiệm khi quảng cáo các sản phẩm và chế độ ăn kiêng. Mọi tuyên bố phải được hỗ trợ bằng bằng chứng chắc chắn, không chỉ ảnh 'trước' và 'sau'. Ngoài ra, quảng cáo không được đưa ra tuyên bố mọi người có thể giảm cân hoặc giảm mỡ một cách vô trách nhiệm".
Ông nói thêm các nhà quảng cáo phải đảm bảo họ không nhắm mục tiêu đến trẻ em dưới 18 tuổi hoặc có bất kỳ tài liệu xúc phạm nào trong quảng cáo của họ.
BDA cho biết hầu hết chế độ ăn kiêng theo mốt đều không bền vững về lâu dài và một số tác động của chúng có thể gây bất lợi cho sức khỏe, dẫn đến mất cơ, thiếu hụt chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, đồng nghĩa với việc có thể tăng cân trở lại trong tương lai.
Kaitlin Colucci, cũng là thành viên của BDA, cho biết: “Chế độ ăn kiêng thịnh hành hứa hẹn những giải pháp nhanh chóng, chúng cần ít thời gian, ít phải vận động nhưng bạn phải bỏ ra nhiều tiền. Những chế độ ăn kiêng đó có thể có vấn đề vì chúng không dẫn đến những thay đổi bền vững lâu dài, có thể khiến người áp dụng chế độ giảm cân đó bị rối loạn với thực phẩm”.