Từ xưa, rau muống là một món ăn dân dã, quen thuộc của người Việt. Mặc dù vẫn được gọi là món "rau nhà nghèo" nhưng ít ai biết rằng, loại rau này lại sở hữu những giá trị dinh dưỡng không thua kém các thực phẩm đắt tiền
Rau muống là loại giống cây thân thảo, mọc bò trên mặt nước hoặc trên đất bùn. Rau muống có thân dài, rỗng. Với giống rau muống mọc bò dưới nước, tại mỗi khớp sẽ có rễ ngắn bám xung quanh thân cây.
Rau muống có 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza, 1,3% tro.
Đáng chú ý, rau muống có chứa vitamin A, B, C, canxi,... và đặc biệt là hàm lượng chất sắt dồi dào, phù hợp với những người có thể trạng thiếu sắt, muốn bổ sung thêm sắt.
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng, chữa rôm sảy, mụn nhọt… nên ăn rau muống đúng cách sẽ loại bỏ được độc tố.
|
Rau muống có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc (Ảnh minh họa) |
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, trong y học cổ truyền rau muống vị ngọt, tính hơi hàn (nấu chín làm giảm tính hàn), công dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể (nấm độc, sắn độc).
"Rau muống là loại phổ biến và được nhiều người yêu thích. Đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho những người cần chế độ ăn giảm cân và giảm cholesterol, nồng độ đường trong máu tự nhiên", bác sĩ Vũ cho biết.
Ngoài ra, rau muống giàu sắt nên hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung chất sắt, bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra nhờ các enzyme giải độc.
Bên cạnh đó, rau muống còn rất hữu ích khi hỗ trợ chữa một số bệnh sau:
Thanh nhiệt, cầm máu: Rau muống 150g, Cúc hoa 12g, nước vừa dùng, đun sôi lửa to 20 phút, lọc lấy nước uống, có thể cho thêm chút đường.
Say sắn, ngộ độc sắn (khoai mì): Dùng một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống, hoặc lấy 100g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống.
|
Rau muống là món ăn được nhiều người yêu thích (Ảnh minh họa)
|
Rôm sẩy, mẩn ngứa, sởi, thủy đậu ở trẻ em: Dùng nước nấu rau muống xoa, rửa, tắm.
Nhuận tràng: Do nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, giúp hạn chế những rắc rối liên quan đến đường tiêu hóa. Chúng tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón. Tuy nhiên nó không tốt cho tiêu hóa trong trường hợp sử dụng rau không hợp vệ sinh.
Giải các chất độc trong thức ăn (ngộ độc thức ăn): Giã rau muống tươi lấy nước cốt uống ngay.
"Đây là kinh nghiệm dân gian được ghi lại trong nhiều sách thuốc. Tuy nhiên, ngày nay chỉ nên dùng phương pháp này để sơ cứu tức thời nhằm hạn chế độc tính, sau đó phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu", bác sĩ Vũ nói.
Say nắng: Dùng nước ép rau muống với chút muối, hoặc nước rau muống luộc cho thêm ít chanh hoặc muối uống sẽ cảm thấy dễ chịu, tiêu khát nhanh chóng. Có thể dùng thường xuyên trong mùa hè.
Lưu ý khi ăn rau muống
Không ăn rau muống sống hoặc chưa chín kỹ: Một số người thích ăn món rau muống chẻ hoặc xào tái. Tuy nhiên, rau muống, đặc biệt khi trồng thủy sinh, có thể chứa sán lá ruột lớn và nhiều loại ký sinh trùng khác. Nếu ăn rau muống còn sống hoặc chưa được nấu chín có thể bị nhiễm sán hoặc đưa ký sinh trùng vào cơ thể.
Ăn rau muống trái mùa: Mùa rau muống thường có nhiều vụ hè. Tuy nhiên, hiện nay, rau muống được trồng quanh năm, ngay cả khi thời tiết không phù hợp. Nhiều nơi, người trồng sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu để giúp rau muống trái vụ trông vẫn đẹp.