Tin tức từ Mirror cho hay, tham gia dịch vụ giả chết giờ đã trở thành trào lưu ở nhiều nước trên thế giới. Sau Hàn Quốc, dịch vụ trải nghiệm cái chết, đã được mở cửa tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào hôm 4/4.
Theo đó, những người tham gia dịch vụ sẽ được đặt trong một chiếc quan tài rồi được "hỏa táng" trên ngọn lửa giả trước khi được "tái sinh" thông qua một cầu trượt bằng nhựa.
|
Một người tham gia dịch vụ thử chết tại Thượng Hải, TQ. |
Anh Ji Ruoxing (30 tuổi) cho biết: "Khi mọi thứ trở nên tối như bưng, tôi có cảm giác rất thật. Đặc biệt là lúc bắt đầu, khi tôi bước vào trong phòng hỏa táng và cánh cửa mở ra, tôi có thể nghe thấy tiếng ồn bên trong và có một chút sợ hãi, sau đó khi tôi ngồi vào quan tài, tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc".
Những người tham gia cũng có thể viết ra những suy nghĩ của mình cũng như "những lời trăn trối trước khi chết". Sau đó họ có thể đem chúng về nhà như một món đồ lưu niệm hoặc xé vụn ngay lập tức.
Anh Liu Siwei, 33 tuổi, cho biết: "Đây là một cảm giác rất thú vị. Nó cho mình cơ hội để bình tĩnh lại, và đưa bạn trở lại thế gian để suy nghĩ về những rắc rối của cuộc sống. Tôi nghĩ rằng cảm giác này rất đáng giá. Khi bạn bước qua cánh cửa đó, bạn sẽ được trải nghiệm một số thay đổi trong tâm lý của bạn, và nó sẽ khác với những gì bạn nghĩ khi mới bước vào. Tôi nghĩ rằng đây là thực sự tuyệt vời".
Ding Rui, người sáng lập dịch vụ giả chết Xinglai cho biết anh mở dịch vụ này để giáo dục cho mọi người về cuộc sống cũng như muốn giúp ai đó đang đối mặt với cái chết cận kề sẽ không phải liên tục nghĩ về những điều này.
Giá của dịch vụ này là 68 USD (khoảng 1,5 triệu đồng) một người/lần.
Đây không phải lần đầu dịch vụ này được nhiều người tìm đến. Theo tin tức từ DailyMail cho hay, để giảm thiểu tình trạng tự tử gia tăng cao ở nước này, chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức các lớp học trải nghiệm cái chết và được nhiều người hưởng ứng.
Tại các lớp học như Trung tâm hồi phục Hyowon, học viên sẽ được "thực tập" cách viết thư tuyệt mệnh, sau đó bị bắt nằm trong quan tài để người xung quanh tổ chức đám tang giả, phải nghe người xung quanh gào khóc, tiếc thương, để rồi tự mình nhận ra sự dại dột của chính mình.
Từ những lớp học tưởng như rất kì cục này, người ta sẽ rút ra bài học, rằng dù họ có tự mình kết liễu bản thân, tự ngộ nhận đó là cách kết thúc vấn đề của riêng mình, nhưng hệ quả để lại thì không hề mang tính cá nhân chút nào.
Theo thông tin từ WHO, cứ 100.000 người Hàn Quốc lại có khoảng 29 người tự sát, con số này chỉ thấp hơn nước Guyana tại Nam Mỹ, khi cứ 100.000 người lại có 44.2 người tìm đến cái chết.
Khi "tốt nghiệp" khỏi lớp học đặc biệt này, các học viên đều cảm thấy "được giải thoát" khỏi ý nghĩ dại dột và thêm yêu cuộc sống và những người xung quanh.
Không ít người cao tuổi ở Hàn Quốc buộc phải tự tử do sợ trở thành gánh nặng tài chính cho con cái, hoặc do sự cô đơn do các con lên thành phố lập nghiệp mà bỏ bê họ.
Mục đích của lớp học là để khôi phục niềm hi vọng sống cho các học viên, răn đe họ về cảm giác chết chóc, những đau buồn mà gia đình phải gánh chịu nếu họ tự tìm đến cái chết.
Mời quý độc giả xem thêm video: