"Tôi mất bình tĩnh và tăng tương tác. Đó là sai lầm thực sự đáng trách khi tất cả đều mất bình tĩnh".
"Tôi đang cố gắng hết sức để cải thiện tình hình và hỗ trợ vợ tôi trong quá trình điều trị. Tôi mong mọi người có thể hiểu rằng trầm cảm, rối loạn lo âu là những căn bệnh cần sự cảm thông và hỗ trợ, không phải sự chỉ trích".
Những lời "xin lỗi" này được trích từ bài đăng của Decao gửi cộng đồng mạng sau sự việc Lâm Minh vừa ôm con khóc, vừa livestream với vết máu trên miệng.
Lời thanh minh của Decao càng khiến nhiều người phản ứng khi anh dùng từ "tương tác" và đổ lỗi cho chứng rối loạn lo âu và trầm cảm của Lâm Minh.
Thực tế, trầm cảm và rối loạn lo âu là vấn đề tâm lý không hiếm gặp ở phụ nữ sau sinh, đặc biệt khi lần đầu sinh con. Sống chung với trầm cảm sau sinh và sự đổ lỗi, bạo lực là điều vô lý và bất công đối với người mẹ.
|
Thay đổi sau sinh khiến nhiều người phụ nữ dễ rơi vào giai đoạn trầm cảm. Ảnh minh hoạ: Medical News Today.
|
Nỗi buồn cần được thấu hiểu
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, chia sẻ trầm cảm là câu chuyện buồn nhưng ít người thấu hiểu cho nỗi lòng và những cảm xúc tâm lý của người phụ nữ sau khi sinh.
Chuyên gia này cũng nhận định hiện tình trạng trầm cảm sau sinh tăng cao qua từng năm, rơi vào khoảng 10-20% sản phụ, ở tất cả độ tuổi.
"Những người phụ nữ lần đầu làm mẹ, hay lần thứ 2, 3 vẫn có khả năng bị trầm cảm sau sinh. Với những người đã có biểu hiện bị bệnh, nếu không được quan tâm, điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc", TS Trung nói.
Vị bác sĩ nhớ như in câu chuyện vợ chồng hiếm muộn lâu năm ở TP.HCM, vất vả đi khắp nơi “tìm con”, khi mang thai rất vui và hạnh phúc.
Tuy vậy, khi con chào đời thì người mẹ bắt đầu có dấu hiệu bị trầm cảm. Tình trạng ngày càng nặng hơn khi gia đình bước vào giai đoạn chăm con nhỏ, phải thức khuya dậy sớm. Thậm chí, có lúc người mẹ này khóc cười không tự chủ, xem con mình là kẻ thù.
Gia đình phải nhờ đến sự can thiệp của chuyên gia tâm lý, bác sĩ phụ sản điều trị tình trạng cho người mẹ trong thời gian dài. Đến nay, sức khoẻ tâm thần của sản phụ dần ổn định, rất may chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra.
Với trường hợp này, bác sĩ Trung cũng khuyến khích người nhà theo dõi và đồng hành với sản phụ, kể cả khi tình trạng của cô đã ổn định vì trầm cảm sau sinh rất dễ tái phát.
Những rất nhiều bà mẹ khác, nhiều gia đình khác không gặp tình huống may mắn như thế. Sự thờ ơ của gia đình, vô tâm từ chính người chồng cũng dễ dàng khiến tâm lý phụ nữ càng thêm khổ sở.
Yếu tố chính dẫn đến trầm cảm sau sinh
Bác sĩ Trịnh Quang Anh, Nguyên trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng HMR, cũng cho rằng người mẹ rất dễ bị trầm cảm do thay đổi hormone hoặc có tiền sử từng bị trầm cảm. Tuy nhiên, cảm xúc mới là yếu tố chính gây ra trầm cảm sau sinh.
Điều này thường thấy khi những người xung quanh chỉ trích cách làm mẹ, chăm con, cơ thể của các sản phụ hoặc khi họ không tìm thấy sự ủng hộ, tiếng nói chung với chồng hoặc gia đình.
"Thậm chí, một người phụ nữ mang thai, sau sinh vừa phải chịu nhiều lo lắng, vừa phải gánh chịu đòn roi từ người chồng, miệt thị từ những người xung quanh là điều rất kinh khủng, có thể ảnh hưởng trầm trọng lên tâm lý của họ, dẫn đến trầm cảm. Nhiều người thậm chí còn tìm cách tự sát khi đã kiệt quệ tinh thần", bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Quang Anh, thông thường, các thai phụ, sản phụ đều có tâm lý lo lắng đối với quá trình sinh nở và hậu sản của mình, đặc biệt ở những người đang trẻ tuổi, mới sinh con lần đầu.
Sau sinh, người phụ nữ rất khó chấp nhận và thích nghi được với nhiều sự thay đổi về ngoại hình lẫn lối sống, khiến họ tự ti, lo lắng. Trong trường hợp có xung đột với gia đình, đặc biệt là người chồng, hoặc mắc một số bệnh lý sau sinh, sản phụ rất dễ gặp căng thẳng kéo dài dẫn đến trầm cảm.
Các huyên gia đều khuyên rằng giai đoạn sau sinh đối với phụ nữ cực kỳ nhạy cảm. Họ cần được sự quan tâm và chia sẻ từ những người xung quanh, đặc biệt từ người chồng, để giảm áp lực và thư giãn hơn.