1. Than phiền về những lỗi nhỏ của cháu trước mặt con
Trẻ nhỏ chưa nhận thức đầy đủ, rất dễ mắc lỗi nhỏ. Ông bà đôi khi cảm thấy không hài lòng, muốn bố mẹ trẻ “giáo huấn” chúng. Lúc này, ông bà nên phân tích điều sai cho cháu, hướng tới những cách giải quyết đúng. Tuyệt đối không nên than phiền, buông lời trách móc cháu trước mặt con.
Việc than phiền những lỗi nhỏ của cháu trước mặt bố mẹ dễ khơi dậy sự oán giận của trẻ. Trong khi đó, bố mẹ bé cũng có thể xuất hiện suy nghĩ ông bà quá khắt khe, suốt ngày bắt lỗi con cháu, không hài lòng về cách nuôi dạy con của họ. Trường hợp những lỗi nhỏ không quá nghiêm trọng, ông bà nên thể hiện sự bao dung bằng cách nhắc nhở. Thay vì “kể tội” với mẹ chúng. Ông bà nên “làm bạn” với cháu thay vì đứng từ trên cao khiển trách “có hệ thống” từ con đến cháu.
2. Cằn nhằn vì con cái tiêu tiền không theo ý mình
Nhiều cặp đôi sẵn sàng chi tiền cho các chuyến đi chơi, sản phẩm tiện ích để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, ông bà trải qua nhiều biến cố nên hiểu rất rõ đồng tiền không dễ kiếm, sự cần thiết của tích lũy. Nhìn con cái tiêu tiền, nhiều ông bà sẽ cằn nhằn liên tục.
Xuất phát từ ý tốt song ông bà lên chăm cháu, cằn nhằn cách tiêu tiền sẽ khiến con cháu hình thành suy nghĩ ông bà thật keo kiệt, vô lý khi can thiệp vào việc riêng tư. Thay vì phàn nàn hàng ngày, ông bà có thể bàn bạc với con cái số tiền nên tiêu và tiết kiệm mỗi tháng. Sau khi đạt được thống nhất, ông bà nên hạn chế việc nhắc vấn đề này hàng ngày.
|
Xuất phát từ ý tốt song có những điều ông bà không nên đề cập, tránh tan cửa nát nhà. Ảnh: ABLW |
3. Mang chuyện gia đình kể với hàng xóm
Ông bà không đi làm nên có nhiều thời gian rảnh, thường gặp gỡ, trò chuyện với người xung quanh. Những lúc này, bạn có thể thỏa thích trao đổi vấn đề cả hai quan tâm song tuyệt đối không lấy chuyện nhà mang ra bàn tán; thể hiện sự không hài lòng về con cháu.
Thực vậy, ông bà chăm cháu kể ra đơn thuần để cảm thấy được chia sẻ, nhận lời khuyên. Vậy nhưng, hàng xóm không thể hiểu trọn hoàn cảnh nhà mình nên khó đưa ra lời khuyên phù hợp. Không những vậy, nhiều người nhiều ý, câu chuyện của bạn có thể bị biến tấu, hiểu sai lệch. Gia đình lục đục, tan cửa nát nhà khi con cái trở thành đề tài bàn tán, chỉ trích của những người xung quanh.
4. Khoe khoang sự giàu có của con cháu.
Chứng kiến con cháu thành đạt, ông bà chắc chắn sẽ rất tự hào. Nhiều người không giữ được sự điềm tĩnh, lúc nào cũng có thể cao giọng khoe khoang sự giàu có của con cháu. Việc làm này có thể khiến ông bà cảm thấy “mát mặt” nhất thời song dễ để lại nhiều hệ lụy.
Chẳng hạn, những người quen biết sẽ tìm cách nhờ vả, vay tiền. Nếu con cháu không giúp, người thân dễ mất lòng, cho rằng gia đình keo kiệt. Trường hợp ra tay giúp, con cháu đôi khi phải “căng mình” gồng gánh, hỗ trợ họ; đôi khi cho vay mà không thể lấy lại. Do vậy, ông bà nên học cách hài lòng với cuộc sống. Khi cảm thấy hài lòng, bạn không cần tìm đến sự “khen ngợi” của những người xung quanh mới cảm thấy gia đình mình có nhiều thành tựu.
5. So sánh con cháu với “con nhà người ta”
Liên tục so sánh con cháu trong nhà với gia đình hàng xóm rất dễ gây mất hòa khí. Cụ thể, con cháu nghe nhiều những lời tiêu cực sẽ xuất hiện cảm giác bản thân kém cỏi, thui chột tinh thần phấn đấu vươn lên.
Thay vì chê bai và so sánh, ông bà nên dùng kinh nghiệm, hiểu biết của mình để động viên, hướng dẫn con cái phát huy điểm mạnh. Nhà là nơi để về, đừng để con cháu sau 1 ngày “chiến đấu” mệt mỏi, về tới nhà lại tiếp tục “oằn mình” nghe lời trách móc, chê bai.