Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tới hết ngày 11/11, chuỗi lây nhiễm tại phường Phú Đô đã ghi nhận 57 ca Covid-19. Trong đó, riêng tổ dân phố 1 có 30 bệnh nhân.
Ban chỉ đạo nhận định, tình hình dịch có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ phát sinh thêm nhiều ca dương tính thuộc chuỗi lây nhiễm này. Hiện cấp độ dịch của phường Phú Đô được nâng từ cấp 2 lên cấp 3 (nguy cơ cao). Tuy nhiên, dự kiến thời gian tới có thể phong tỏa rộng hơn tổ 1 và nâng mức cấp độ dịch lên mức 4 (nguy cơ rất cao).
Trước những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, trạm y tế lưu động tại phường Phú Đô với 5 cán bộ y tế đã được kích hoạt. Trong trường hợp dịch lan rộng, địa phương sẽ bổ sung thêm 1 trạm y tế lưu động.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Nam Từ Liêm cho biết đang tập trung toàn lực triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý ca bệnh tại ổ dịch phường Phú Đô, lấy mẫu các điểm nguy cơ và xét nghiệm lần 2 tại khu phong tỏa.
|
Lập rào chắn, phong tỏa một tuyến đường tại phường Phú Đô - Ảnh: Đình Hiếu
|
Bên cạnh đó, khẩn trương truy vết các đối tượng nguy cơ F1, F2 và người liên quan; cách ly ngay F1, F2 theo quy định; bóc tách kịp thời F0 ra khỏi cộng đồng; thực hiện phương châm “khoanh vùng phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng”.
Quận cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về phòng chống dịch, thích ứng linh hoạt, an toàn nhưng không chủ quan. Yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), kể cả các trường hợp đã tiêm đủ vắc xin.
Chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại phường Phú Đô được phát hiện vào ngày 4-5/11. Trong 2 ngày này, qua xét nghiệm những người biểu hiện ho, sốt tới Trạm Y tế phường Phú Đô khai báo rải rác đã ghi nhận tới 5 ca dương tính SARS-CoV-2, đều trú tại tổ dân phố 1.
Từ nhóm bệnh nhân trên, quận Nam Từ Liêm quyết định làm xét nghiệm diện rộng, gồm người thuộc diện liên quan F0 và một số đối tượng nguy cơ trên địa bàn phường Phú Đô (người bán hàng ở mặt đường, mặt ngõ). Kết quả phát hiện thêm nhiều F0 thuộc địa bàn tổ dân phố 1 và các tổ dân phố khác. Trong đó, có một số trường hợp là trẻ em.
Ổ dịch được đánh giá có nguy cơ lây lan lớn do khu vực này nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp, nhà san sát nhau, liền tường, dân cư đông đúc. Hơn nữa, khu vực Phú Đô trước đây là làng, người dân vẫn theo văn hóa làng xã, các hộ gia đình thường xuyên giao lưu, tiếp xúc.
Thời gian qua, người dân giao thương, gặp gỡ, đi lại tự do rất nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng lớn, gây khó khăn cho việc tổ chức truy vết của lực lượng y tế.
Được biết, từ ngày 8/11, lực lượng chức năng đã phong tỏa 3 tổ dân phố của phường này (tổ 1, tổ 5 và tổ 6) với 6 ngõ, lập 7 chốt trực 24/24. Ngành y tế tổ chức lấy 1.262 mẫu xét nghiệm của toàn bộ hộ dân trong khu vực phong tỏa (228 hộ) và 1.142 mẫu của các đối tượng nguy cơ xung quanh nơi lưu trú của ca bệnh dương tính ở tổ 1, 5, 6. Tổng số mẫu đã lấy là 2.404 mẫu.
Đồng thời, thông tin tuyên truyền cho người dân phường Phú Đô và các địa phương về tình hình phức tạp tại đây, khuyến cáo những ai đã đến 3 tổ dân phố 1, 5, 6 khai báo y tế, theo dõi sức khỏe.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, ý thức của người dân là yếu tố quan trọng nhất thời điểm này để khống chế dịch bệnh.
“Tất cả người dân, đặc biệt là người trong khu vực ổ dịch cần tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K, không được chủ quan. Chỉ có 5K mới giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, PGS Phu nói. Đặc biệt, người dân nên trung thực khai báo y tế. Chủ động khai báo với y tế địa phương nếu từng tiếp xúc với các ca F0, F1; khai báo khi có biểu hiện ho sốt, nghi nhiễm Covid-19.
Về công tác chuyên môn, PGS Phu cho rằng vấn đề truy vết, xét nghiệm cần thực hiện thật tốt, từ đó xác định nguy cơ của chuỗi lây nhiễm,“nguy cơ tới đâu, phong tỏa tới đó”. Để làm tốt việc phong tỏa, cần chú ý đảm bảo an sinh, đời sống cho bà con trong khu vực cách ly.