Phương pháp này vừa có khả năng nắn chỉnh xương hàm vừa phục hồi lại chức năng ăn nhai, thẩm mỹ cho khuôn mặt, tránh được sẹo xấu và biến chứng liệt thần kinh với thời gian nằm viện ngắn.
Khó liền và ảnh hưởng nhiều chức năng
ThS Đào Văn Giang, Khoa phẫu thuật Tạo hình – Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, gãy lồi cầu xương hàm dưới là một tổn thương hay gặp, dưới chiếm tới 20 - 50% các trường hợp gãy xương hàm dưới. Gãy lồi cầu rất khó liền, thường để lại di chứng nặng nề về: Giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ nếu không được điều trị đúng.
Bởi lồi cầu - khớp thái dương hàm không chỉ góp phần tạo dựng khuôn hình bộ mặt, những chấn thương vùng khớp thái dương hàm dù trực tiếp hay gián tiếp cũng ảnh hưởng nhiều đến chức năng như dính khớp, cứng khớp, teo xương hàm dưới, khớp cắn sai... Nếu không điều trị đúng sẽ gây di chứng thoái hóa khớp, cứng khớp, rối loạn phát triển xương hàm, người bệnh khó hoặc không ăn uống được.
Vì vậy, khi tiến hành điều trị gãy xương hàm dưới cho bệnh nhân thì bác sĩ ngoài việc loại trừ các nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân còn phải phục hồi tốt chức năng ăn nhai, nói, nuốt cũng như đặc biệt lưu ý đến tính thẩm mỹ, tránh các biến chứng, di chứng.
|
Ca phẫu thuật kết xương lồi cầu hàm dưới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. |
Không sẹo và không liệt mặt
TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, phẫu thuật nội soi với những ưu điểm vượt trội được ứng dụng từ lâu trong nhiều chuyên ngành nhưng trong chấn thương hàm mặt là một kỹ thuật mới chưa được phổ biến tại Việt Nam.
Trước đây, khi chưa ứng dụng phương pháp này, việc điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới thường là bảo tồn và mổ mở. Điều trị bảo tồn bằng cố định hàm trong thời gian 3 – 4 tuần sau đó tập phục hồi chức năng hoặc phương pháp điều trị mổ mở đặt nẹp vít cố định. Phương pháp điều trị bảo tồn có ưu điểm là không cần can thiệp phẫu thuật nhưng có thể để lại di chứng như hạn chế há miệng, khớp cắn sai, biến dạng ngắn xương hàm dưới 1 bên, các vấn đề về dinh dưỡng, sút cân hoặc các bệnh lý về khớp thái dương hàm về sau. Mổ mở với ưu điểm cố định vững xương tránh các biến chứng về khớp cắn, khớp thái dương hàm nhưng để lại sẹo xấu, nguy cơ liệt thần kinh mặt.
Kỹ thuật kết hợp xương lồi cầu xương hàm dưới sử dụng nội soi được tiến hành với đường rạch 1,5 – 2cm vị trí góc hàm từ đó đi dọc lên trên theo ngành ngang xương hàm dưới để vào ổ gãy. Qua đường mổ này, có thể tạo một lỗ ở góc xương hàm dưới sau đó dùng chỉ thép xuyên qua để kéo ngành lên xương hàm dưới xuống dưới tạo thuận lợi để đặt lại xương về đúng giải phẫu. Sau khi nắn chỉnh, đặt lại xương, nẹp được đưa vào cùng lỗ vào của ống kính. Vít được đưa vào qua trocar với đường rạch 0,5cm trước nắp tai.
Thời gian mổ trung bình là 90 phút. Thời gian nằm viện trung bình là 3,5 ngày. Đây là kỹ thuật can thiệp tối thiểu, ít gây chấn thương, tổ chức phần mềm, hạn chế mất máu nên thời gian hậu phẫu sẽ được rút ngắn. Kết quả được đánh giá khi khớp cắn đúng, há miệng trên 4cm, không có biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, liệt thần kinh, sẹo xấu... X-quang kiểm tra xương ổ gãy không di lệch. Kết quả thực hiện được trên 4 bệnh nhân, kết quả tốt, không có sẹo dài, sẹo xấu, không có biến chứng liệt thần kinh.
Theo TS Nguyễn Hồng Hà, kết xương lồi cầu là một kỹ thuật khó không chỉ đảm bảo nắn chỉnh biến dạng xương mà còn phải đảm bảo phục hồi thẩm mỹ cũng như chức năng của phần xương gãy... Đặc biệt, đây là nơi rất nhiều các nhánh thần kinh nên đòi càng đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kỹ năng về bệnh lý, thẩm mỹ và phương tiện dụng cụ đảm bảo cho bệnh nhân sau điều trị tránh được biến chứng về khớp cắn, liệt thần kinh...
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):