Nỗi đau của những đứa con có mẹ không bằng “hổ dữ”

Google News

Người Việt vẫn có câu “cá chuối đắm đuối vì con” hay “Hổ dữ không ăn thịt con' để ví tình thương của mẹ với con cái là điều thiêng liêng nhất của tạo hóa. Thế nhưng, có người mẹ lại đương tâm sát hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

Bị bạo hành đến chết từ chính người mẹ ruột

Sự việc bé gái 3 tuổi bạo bị hành đến tử vong ngay giữa Thủ đô vẫn đang gây bức xúc dư luận. Trước đó, tối 31/3, mạng xã hội dậy sóng bởi thông tin về một bé gái 3 tuổi tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Theo nội dung bài đăng, cháu N.N.M.M (3 tuổi, thường trú xã tại Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) nghi bị mẹ đẻ và cha dượng bạo hành trong suốt 24 ngày, khiến bé tử vong. Sau khi xác định nhận thông tin, Cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý sự việc.

Cùng thời điểm một sự việc đau lòng khác xảy ra ở Bắc Ninh khi chính người mẹ đã đương tâm giết hại chính con mình. Người mẹ đã có một đời chồng và một bé trai 3 tuổi, do mâu thuẫn với bạn trai mới nên người phụ nữ này đã nhẫn tâm sát hại con mình rồi tự tử nhưng không thành.

Những sự việc bạo hành con liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông về một hiện tượng đáng lo ngại. Đó là sự suy thoái đạo đức, sự vô cảm, tàn nhẫn của một số cha mẹ với con của mình. Nó phá vỡ tình cảm thiêng liêng của bố mẹ với con cái, khiến bao người chỉ vì bực tức cá nhân mà đương tâm hành hạ những đứa con ruột của mình.

 

Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội về những câu chuyện đau lòng liên quan đến tình mẫu tử ở trên, bà Ninh Thị Hồng (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng đọc những sự việc gần đây tôi rất bức xúc và thấy đau xót. Bà cảm thấy buồn khi những người con này không được người dân, ngay cả những người thân trong gia đình phát hiện và giúp đỡ khi còn sống.

"Tại sao một người mẹ lại tàn ác với chính con đẻ của mình như vậy. Người mẹ đáng lẽ sẽ là người bảo vệ, che chở, giúp con mình trong mọi hoàn cảnh nhưng ở đây lại làm điều ngược lại là bạo hành tinh thần, thậm chí ra tay khiến con tử vong. Chắc hẳn những đứa trẻ đó đã phải chịu tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần trong suốt thời gian qua. Những hành động này thật dã man. Hành động vi phạm đạo đức rất nặng cần phải xem xét một cách thật nghiêm túc", bà Hồng nói.

Điều gì khiến bố mẹ "xuống tay" lạnh lùng với con trẻ?

Theo bà Ninh Thị Hồng, với những sự việc bạo hành trẻ nhỏ, xã hội phải có trách nhiệm, thế nhưng trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về gia đình. Như sự việc cháu bé 3 tuổi bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành, thì người thân như bà ngoại phải biết được biểu hiện tâm lý bất bình thường của người mẹ để phòng ngừa cho trẻ khỏi nguy cơ. Tại sao nuôi cháu bé từ nhỏ, người mẹ đón đi khi liên hệ đến thăm không cho mà không đặt câu hỏi hay kiên quyết đến xem cuộc sống của cháu bé thế nào để khi phát hiện ra đã quá muộn.

Để hạn chế bớt sự việc như trên xảy ra thì cần ngăn chặn vấn đề từ gốc đó là thúc đẩy việc mở lớp học kỹ năng sống, lớp học tiền hôn nhân, truyền đạt các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc, quan tâm của cộng đồng dân cư và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng bạo lực gia đình.

Theo chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương ở đây, một số người làm cha làm mẹ cho rằng, con là "tài sản" của riêng mình, mình sinh ra nên có quyền dạy bảo, người ngoài không được can thiệp.

Ở đây, mỗi một vụ việc đều có những nguyên nhân khác nhau. Thường bạo hành trẻ hay xảy ra ở những trường hợp bố mẹ không thể chung sống, họ ly hôn, ngay sau đó lấy người mới, đứa trẻ ở cùng bị hành hạ. Có những bà mẹ, vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc quay sang đánh đập con hoặc gia đình bất hòa về tình cảm, công việc, tiền bạc sau đó những người làm cha làm mẹ đã dồn bức xúc lên con trẻ. Rồi đạo đức, lối sống buông thả…

Sự thấu cảm của những người làm cha, làm mẹ giảm đi rất nhiều khi gặp phải căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Chỉ cần thấy một hành vi trái ý là họ có thể có hành động bạo lực. Đôi khi, mong đợi quá nhiều về con mình, đến mức chi phối toàn bộ cảm xúc và khi không đạt được mục đích như mong đợi sẽ bắt đầu la mắng, đánh đập. Có những trường hợp, người làm cha, làm mẹ bạo hành con mình vì hồi nhỏ từng rơi vào những tình huống bị người lớn bạo lực nên họ bị ảnh hưởng. Họ không nhận thức được những tác động, ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ, khi dùng bạo lực để dạy con.

Cho dù với lý do nào đi chăng nữa, việc trút đòn roi lên thân thể dã man với trẻ là điều khó chấp nhận được. Ở Đức có quy định bố mẹ chỉ tát con một lần, người đó có thể bị đưa vào tù ngay lập tức. Đứa bé sẽ được đưa vào trại trẻ mồ côi nên hạn chế được tình trạng bạo hành. Quyền nuôi con của công dân là hợp pháp, nhưng nếu người đó bỏ bê con hay bạo hành thì không được quyền nuôi con và phải xử lý nặng mới có tính răn đe.

 
Theo GĐ&XH

>> xem thêm

Bình luận(0)