Sinh thường luôn là phương pháp được ưu tiên lựa chọn hàng đầu bởi rất nhiều lợi ích như không phải lo lắng về việc thuốc gây tê, thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ sau sinh. Người mẹ cũng có thể nhanh chóng phục hồi, dễ dàng ăn uống và vận động.
Đặc biệt, trẻ sinh thường có khả năng thích nghi với cuộc sống bên ngoài cao hơn, khả năng hô hấp tốt hơn nên ít có nguy cơ bị ngạt thở. Hơn nữa, khi sinh thường thì cả mẹ và con đều ít phải đối mặt với các nguy cơ xấu từ máy móc và thuốc gây mê. Vì thế, rất nhiều bà mẹ luôn cố gắng chịu đau sinh thường để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con.
Con động kinh vì mẹ cố sinh thường
Cô Chiêm, người Trung Quốc, sức khỏe khá yếu, bác sĩ chỉ định sinh mổ vì cho rằng đây là một ca sinh khó. Tuy nhiên, cô không chịu mổ mà nhất quyết sinh thường vì muốn con trai được khỏe mạnh. Rất may là các bác sĩ đã nỗ lực để cả hai mẹ con cô Chiêm đều khỏe mạnh sau ca sinh này. Tuy nhiên, khi cậu bé lớn lên lại có những dấu hiệu bất thường về trí nhớ. Cô Chiêm đưa con đến bệnh viện kiểm tra và được bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị bệnh động kinh.
|
Nếu quá trình sinh nở không thuận lợi, trẻ có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe như hay quấy khóc, ốm yếu hoặc mắc một số bệnh. |
Điều này hoàn toàn khiến cô Chiêm bất ngờ vì con trai rất khỏe mạnh từ khi sinh ra. Qua sự phân tích của bác sĩ, cô ngộ ra rằng điều này là do cố sinh thường trước kia. Bác sĩ cho rằng, nguyên nhân có thể do con trai bị thiếu ô xi từ trong bụng mẹ dẫn đến bị ngạt và mắc căn bệnh này. Cô Chiêm cảm thấy hối hận vô cùng vì đã không nghe lời bác sĩ ngày đó.
Có rất nhiều trường hợp dù rất muốn nhưng sản phụ không được cố sinh thường mà phải sinh mổ theo chỉ định của bác sĩ. Bởi mặc dù muốn tốt cho con, cho mẹ nhưng sự cố chấp này có thể gây nguy hại cho sản phụ và thai nhi. Đó là những trường hợp sau đây:
Những vấn đề ở thai nhi
Suy thai, đa thai, thai nhi dị tật bẩm sinh
Mẹ bầu cần phải thực hiện khám thai định kỳ để theo dõi nhịp tim và chuyển động của thai nhi. Nếu có các dấu hiệu bất thường do thai nhi không nhận đủ ô xy thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp để tránh những biến chứng ảnh hưởng xấu đến em bé.
Nếu mẹ mang thai đôi, thai ba thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh thường, đặc biệt nếu mang thai 3-4. Khi đó, sản phụ thường được chỉ định sinh mổ trước ngày dự sinh để đảm bảo an toàn cho mẹ và các con.
Thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng thường được chỉ định sinh mổ vì thai nhi trong trường hợp này nhiều yếu tố sức khỏe không được đảm bảo để có thể sinh thường.
Đứt nhau thai, sa dây rốn, vị trí thai không thuận
Những vấn đề này gây nguy hiểm cho trẻ nếu sinh thường, và việc chỉ định sinh mổ là cần thiết để sớm đưa bé ra ngoài tránh các vấn đề xấu.
|
Trong nhiều trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ cho sản phụ để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé. |
Nhau thai bị đứt sẽ khiến thai nhi không nhận đủ ô xy, vì vậy có thể sẽ phải mổ gấp để đưa bé ra ngoài. Sa dây rốn, dây rốn quấn cổ nhiều vòng không thường xảy ra nhưng rất nguy hiểm nếu sinh thường vì có thể khiến trẻ bị ngạt thở.
Ngôi thai bất thường khiến thai nhi không thể chui qua đường sinh dục của bà mẹ ra ngoài. Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể dùng thủ thuật để quay ngôi thai, nhưng trong một số tình huống vẫn phải chỉ định sinh mổ nếu thai nhi không chịu quay đầu hoặc ở vị trí khó.
Thai nhi quá lớn
Nhiều bà bầu có tâm lý ăn nhiều để con to, khỏe nhưng điều này có thể dẫn đến thai phát triển quá nhanh, vượt chuẩn cân nặng và không thể chui qua khung xương chậu của mẹ. Hoặc khung xương chậu của mẹ lại quá nhỏ so với thai nhi nên buộc phải sinh mổ.
Những vấn đề ở sản phụ
Mắc bệnh mãn tính, bệnh nhiễm trùng
Một số bệnh khiến bà bầu không thể rặn đẻ khi chuyển dạ như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, tăng huyết áp… Hoặc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, u nang buồng trứng, bệnh thận thì cũng được khuyến cáo sinh mổ để tránh rủi ro.
Nếu mẹ mắc các bệnh lây nhiễm, nhiễm trùng như HIV, herpes… nếu sinh thường thì khả năng lây bệnh cho thai nhi trong quá trình sinh là rất lớn. Vì vậy, việc sinh mổ là cần thiết.
Sản phụ đã từng sinh mổ hoặc khung xương chậu bất thường
Nếu đã từng sinh mổ trước đó mà chọn sinh thường trong lần tiếp theo khi khả năng vị vỡ tử cung cao 0.2-1,5%. 90% phụ nữ đã từng sinh mổ sẽ tiếp tục sinh mổ lần sau. Tốt nhất hãy trao đổi với bác sĩ để có phương pháp sinh phù hợp nhất.
Khung xương chậu của mẹ quá nhỏ hoặc bất thường do di chứng còi xương, viêm khớp, bại liệt… thì thai nhi sẽ không thể chui qua được, biện pháp bắt buộc là mổ lấy thai.
Bà bầu bị tiền sản giật
Tiền sản giật là biến chứng nếu mẹ bầu bị cao huyết áp. Máu và ô xy cung cấp cho thai nhi sẽ bị cản trở nếu tình trạng này không bị kiểm soát. Đây được coi là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thai nhi, xảy ra với khoảng 5-8% bà bầu, thường xảy ra với người lần đầu sinh con. Sinh mổ sẽ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Các nguyên nhân khác
Trong quá trình sinh, nếu việc chuyển dạ kéo dài, rối loạn cơn co tử cung, cổ tử cung không mở, tử cung có dấu hiệu vỡ,… các bác sĩ sẽ can thiệp bằng các biện pháp, hoặc chỉ định sinh mổ dù trước đó chỉ định sinh thường để đảm bảo tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi.