Những 'bông hồng thép' của các gia tộc tỉ phú

Google News

Họ sinh ra trong những gia tộc tỷ phú với vốn tài sản khổng lồ của cha mẹ. Theo truyền thống Á đông, họ vốn không được gọi tên cho những vị trí thừa kế hàng đầu.

Phiên bản của người cha huyền thoại

Đứng đầu danh sách những gia tộc tỷ phú giàu nhất châu Á của Forbes hiện nay không ai khác ngoài gia đình Lee của đế chế Samsung với tổng tài sản ước tính khoảng 29,6 tỉ USD.

Khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết về số phận của Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics, câu hỏi ai sẽ điền vào chiếc ghế trống ấy, nếu Jae-yong phải ngồi tù, lại nóng hơn bao giờ. Và Lee Boo-jin, người con gái lớn của chủ tịch Lee Kun-hee, đang được cho sẽ là người thay thế vị trí mà anh trai để lại.

Trong đắng ngoài cay - đó dường như là tình cảnh hiện nay của Boo-jin, nữ tỉ phú với khối tài sản chừng 1,8 tỉ USD. Bởi nữ doanh nhân 46 tuổi này không chỉ đương đầu với áp lực từ phiên tòa xử anh trai về những cáo buộc hối lộ mà còn phải đối mặt với phán quyết mới về chuyện ly dị ồn ào suốt từ năm 2012 đến nay.

Ngay cả trước khi anh trai Jae-yong được bổ nhiệm là Phó chủ tịch Samsung Electronics cuối năm 2012 và trên thực tế là nắm toàn quyền thay cha, Boo-jin đã được “nhắm tới”. Nhiều nguồn tin cho rằng, Boo-jin được mẹ là bà Hong Ra-hee ủng hộ hơn anh về chuyện nối ngôi cha.

Điều này cũng không có gì lạ khi trong 3 người con của Chủ tịch Lee thì Boo-jin giống cha nhất ở tính cách cũng như cách điều hành. Boo-jin ngoài ra còn được lòng dư luận khi được đánh giá là cô con gái hiếu thảo. Khi Chủ tịch Lee bị đột quỵ vào giữa năm 2014, Boo-jin đã ở bên cạnh cha trong bệnh viện suốt 2 tuần.

Liệu Boo-jin có khoác chiếc áo quá rộng nếu được chọn làm người thay thế anh trai? Đây cũng là một câu hỏi nhưng không phải quá khó để trả lời. Bởi Boo-jin đã chứng minh tài năng của cô ở vị trí CEO của Hotel Shilla, một công ty con của Tập đoàn Samsung điều hành hàng loạt khách sạn cao cấp và cửa hàng miễn thuế (chỉ xếp sau Lotte).

Theo số liệu của Bloomberg, Hotel Shilla đang trên đà đạt được mức tăng doanh thu năm thứ 6 liên tiếp.

Sở hữu 5,5% Samsung CT Corp - một trong những cổ đông lớn nhất của Samsung Electronics, Boo-jin được đánh giá vẫn có cả đủ thế và lực để tiếp bước cha anh. Tòa án Seoul vừa mới buộc cô phải chu cấp 8,6 tỉ won (khoảng 10.4 triệu USD) cho chồng cũ. Chuyện chẳng có gì to tát với người đứng mũi chịu sào tương lai của gia tộc chaebol.

Nhung 'bong hong thep' cua cac gia toc ti phu
 
Cha truyền, con gái nối
Godrej và SM Investments là hai cái tên không thể không nhắc đến của Ấn Độ và Philippines bởi những tập đoàn ấy cũng mang nhiều dấu ấn về sự chuyển ngôi từ cha sang con gái.
Ông Adi Godrej, Chủ tịch Tập đoàn Godrej, vừa có những động thái chuyển giao quyền lực tại các công ty chủ chốt thuộc tập đoàn. Sau khi chị gái và em trai đã yên vị ở những trọng trách mới, Nisaba Godrej vào tháng 5 vừa rồi chính thức được trao quyền nắm Công ty Godrej Consumer Products (GCPL).
Người con gái út của ông Godrej trở thành một trong những chủ tịch trẻ tuổi nhất ở Ấn Độ điều hành một công ty có doanh thu ở mức 600 triệu USD/năm.
Trước đó, Nisaba, 38 tuổi, là “kiến trúc sư trưởng” của những đột phá ở GCPL trong 10 năm qua dù bước vào thương trường chậm hơn các thành viên khác của gia đình có tổng tài sản khoảng 12,3 tỉ USD này.
Nisaba đã xoay chiều thành công số phận của công ty con Godrej Agrovet và góp phần mở rộng “lãnh thổ” của Godrej ở châu Phi, châu Mỹ La tinh và Đông Nam Á.
Bà mẹ một con này được nhắc đến nhiều khi mang đến Godrej một làn gió mới. Vậy nên, Nisaba đã giành được sự tín nhiệm của cha mình khi ông tuyên bố: “Tôi đã làm việc với Nisaba suốt 10 năm qua và nhìn thấy Nisaba đạt được những kết quả rất tốt. Con bé là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, là người giữ vững những giá trị truyền thống của chúng tôi.
Nhung 'bong hong thep' cua cac gia toc ti phu-Hinh-2
 

Nếu Nisaba là người được đào tạo bài bản - từng theo học ở hai trường kinh doanh danh tiếng của Mỹ là Wharton và Harvard Business School thì Teresita Sy-Coson, Phó chủ tịch Tập đoàn SM Investments lại dành những lời cám ơn cho “trường học tại gia” mà cha bà dựng lên. Ông Henry Sy Sr., người sáng lập SM Investments (SMIC) năm 1994 tại Manila, đã vạch sẵn con đường cho 6 người con của ông.

“Tôi sinh ra trong một gia đình kinh doanh. Đó là một định mệnh. Tôi lúc nào cũng bị bảo phải làm gương cho các em. Và luôn phải phục tùng mệnh lệnh”, bà Sy-Coson kể lại.

Sau khi tốt nghiệp Trường Assumption College ngành kinh doanh năm 1970, Sy-Coson muốn học cao hơn nữa nhưng bà phải ngừng lại khi ông Henry Sy lên tiếng: “Hãy làm việc cùng cha. Đó là trường học tốt nhất”.

Với bài học vỡ lòng “phải luôn quan sát”, cô gái 22 tuổi được cha giao công việc: mở trung tâm thương mại đầu tiên ở Manila. Bà nhớ lại: “Dự án khởi công mà không có lấy định hướng cụ thể. Chuyện không dễ dàng. Tôi phải tự mình làm nhiều việc. Và khi cần, tôi đọc sách kinh tế và đến các hội chợ thương mại để tìm hiểu”.

Và Teresita ngày nay là một trong những nhân vật quyền lực của gia đình Sy, xếp hạng 17 trong danh sách những gia đình giàu nhất châu Á với tổng tài sản chừng 12,8 tỉ USD.

Hơn thế, người phụ nữ 66 tuổi này còn phải vượt qua thử thách lớn nhất đối với phụ nữ - phân biệt giới tính vốn vẫn còn hiện hữu trong cộng đồng người Hoa ở Phillipines. Cả Teresita Sy-Coson, Lee Boo-jin và Nisaba Godrej sẽ là những cái tên còn được nhắc đến nhiều trong tương lai.


Theo Thanh niên

>> xem thêm

Bình luận(0)