Nghĩ vết thương đơn giản, ai ngờ co giật vì uốn ván
Đầu tháng 4 vừa qua, Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM liên tục tiếp nhận những trường hợp mắc bệnh uốn ván với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có thời điểm, có tới 50% số bệnh nhân điều trị tại đây bị mắc uốn ván. Người nhiễm bệnh nhẹ phải nằm điều trị khoảng nửa tháng, người mắc bệnh nặng phải điều trị thở máy, kết hợp dùng kháng sinh cả tháng.
|
Các chuyên gia khuyến cáo: Khi mới có vết thương (dù là vết thương nhỏ), cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. ảnh minh họa. |
Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân đều chưa tiêm ngừa vaccine phòng uốn ván và ai cũng có tư tưởng chủ quan: "Cứ nghĩ vết thương xoàng xĩnh, nhỏ nhặt, ai ngờ...".
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Đ.T.N (16 tuổi, ở Bình Phước). Đầu tháng 4, trên đường đi học về em không may ngã xe, mu bàn chân trái bị vết thương hở, chảy máu. Thấy vết thương không đến mức nguy hiểm, gia đình em chỉ sơ cứu rồi chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên vết thương không liền da mà có biểu hiện làm mủ, sưng tấy. Không ngờ 5 ngày sau, tay chân, miệng em có biểu hiện bị co cứng... Khi đến bệnh viện ở quê, bác sĩ nói em bị uốn ván. Bệnh nhân được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng liên tục lên cơn gồng giật, co cứng chân tay, tím tái. N được xác định là bị nhiễm uốn ván thể nặng. Các bác sĩ đã điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không đáp ứng với thuốc an thần, phải thở máy, dùng thuốc giãn cơ, điều trị kháng sinh mạnh.
Một trường hợp khác chỉ vì tháo chiếc nhẫn chật, vô ý gây vết xước nhỏ, một phụ nữ 62 tuổi đã bị cứng hàm, cứng cổ, tay chân không nhúc nhích được. Một ca bệnh khác do chủ quan nhưng lại lãnh hậu quả nhiễm trùng uốn ván là do xỉa răng khi đang bị viêm nướu khiến nướu bị chảy máu. Nghĩ chảy máu nướu răng là chuyện bình thường nên nam bệnh nhân này không để ý. Ai ngờ, gần một tháng sau, chỗ nướu bị thương sưng to, bệnh nhân cảm thấy rất khó mở miệng, cơn co cứng lan nhanh từ hàm xuống cổ, lưng, tứ chi khiến anh không cử động được, liền được người nhà chở vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm Khoa tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván, hầu hết đều do chủ quan vết thương hở “chẳng ăn nhằm gì”. Đến khi bệnh nhân có biểu hiện đau cổ, gáy, cứng hàm, co giật… gia đình mới vội vàng đưa vào viện cấp cứu.
Hiện ở Khoa đang có 2 bệnh nhân bị uốn ván, trường hợp mới đây nhất vào viện ngày 2/5 vì vết thương nhỏ ở chân. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết, nhiều trường hợp nhập viện khi đã trong tình trạng hôn mê sâu, toàn thân co giật, phải dùng thuốc an thần liều cao. Bệnh nhân được mở khí quản, thở máy. Có bệnh nhân còn bội nhiễm phổi nên việc điều trị phức tạp, phải nằm điều trị ít nhất hàng tháng trời với chi phí cả trăm triệu đồng. Bệnh nhân mắc uốn ván phổ biến nhất là nam giới và người lao động chân tay, do đặc thù công việc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao nhưng lại không được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều bị các vết thương do tai nạn sinh hoạt (cành tre đâm bàn chân, tay; vết thương do mảnh sành, gạch, ngói, đinh, vít), sau đó họ tự xử trí bằng rửa nước và băng bó, không tiêm phòng uốn ván.
Tuyệt đối không chủ quan dù vết thương nhỏ
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho hay: Bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra. Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát, bụi; phân trâu, bò, ngựa và gia cầm; nơi cống rãnh hay dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…
Trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là trầy xước. Bệnh khởi phát sau chấn thương từ 3-14 ngày. Triệu chứng của bệnh thường là đau các cơ cổ, vai, lưng. Kế tiếp các cơ khác cũng bị co cứng...
Các bác sĩ cũng nhận định, đa phần bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván là nam giới, tập trung ở lứa tuổi thanh niên và trung niên. Đó là do hầu hết phụ nữ mang thai đã được tiêm vaccine uốn ván nên đã có kháng thể bảo vệ kéo dài tới 10-15 năm. Đối với nam giới, dù đã được tiêm vaccine từ lúc còn nhỏ nhưng sau một thời gian dài (khoảng 10 năm), hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ giảm nên dễ mắc bệnh uốn ván. Cách tốt nhất để phòng bệnh uốn ván là tiêm vaccine phòng bệnh sau 10 năm. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cho biết, nếu không may bị vật nhọn đâm vào người, sau khi xử lý vết thương, nên đến cơ sở y tế để tiêm uốn ván vì không biết trong dị vật đó có vi trùng gây uốn ván hay không.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi mới có vết thương (dù là vết thương nhỏ), cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương ra máu và dính nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Với vết thương hở, không được bôi cồn 90 độ, i-ốt (betadine, povidine) trực tiếp vào vết thương để tránh làm tổn thương mô. Rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô.
Nếu phát hiện có dị vật nằm trong vết thương, nếu đơn giản thì rửa tay sạch rồi lấy ra; sau đó, có thể băng lại bằng gạc y tế và cần theo dõi, thay băng mỗi ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì cần đến cơ sở y tế. Khi có những dấu hiệu như: Đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành... cần đến bệnh viện ngay vì có thể vết thương đã nhiễm trùng. Tuyệt đối không được đắp thuốc rê, thuốc bột…
Những trường hợp cần tiêm phòng uốn ván
- Phụ nữ có thai: Tiêm phòng uốn ván cho những phụ nữ có thai để bảo vệ cho cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh. Vaccine này có tác dụng phòng ngừa tới 10-15 năm.
- Nông dân, người làm việc trong các trang trại: Đây là những đối tượng dễ bị uốn ván do phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường đồng ruộng, bùn đất, phân gia súc, gia cầm, dị vật... có nhiều vi khuẩn trú ngụ. Do đó, khi gặp phải các vết thương nhỏ như xước da, chảy máu trong quá trình lao động, việc nhiễm khuẩn uốn ván rất có thể sẽ xảy ra. Tiêm phòng là cần thiết để phòng bệnh.
- Công nhân xây dựng: Đây là những người thường xuyên phải tiếp xúc với kim loại, bê tông, sắt thép. Nguy cơ cao bị thương do các vật nhọn đâm. Tiêm phòng uốn ván để bảo vệ bản thân khỏi các sự cố đáng tiếc.