Năm nay tôi mới 36 tuổi, có một chồng, hai con và đang sống một cuộc sống cực kì khó khăn về kinh tế. Vợ chồng tôi mỗi tuần cãi nhau ba bốn lần, trong đó lý do lớn nhất là không có tiền. Chồng tôi không giỏi kiếm tiền, nhưng lại giỏi quản lý tiền bạc. Anh là người nắm giữ toàn bộ kinh tế gia đình, theo dõi, ghi chép, báo cáo, quyết toán sổ sách tài chính gia đình thành thạo như một nhân viên kế toán có đào tạo. Nhiều lúc thấy anh nâng lên, hạ xuống một khoản chi tiêu nào đó từ 100 nghìn đồng xuống 70 nghìn, rồi lại gạch gạch, xóa xóa vì khi cân đối thu chi vẫn “âm tiền”, tôi thấy thương anh. Trong lòng tôi, tình yêu đối với anh phần nào vơi nhạt.
Tôi là người phụ nữ không lười biếng, nhưng trong đời đã phạm ba lần dại, khiến cuộc sống của tôi tẻ nhạt, buồn chán như hiện nay.
(Ảnh: minh họa)
Năm tôi vừa học xong đại học, tôi có hai người đàn ông theo đuổi. Một anh nhà khá giả, mới đi học nước ngoài về, có nhà riêng bố mẹ đã mua cho sẵn, có xe máy để đi, đang làm ở một cơ quan nghiên cứu lớn tại Hà Nội. Anh đẹp trai, trắng trẻo, lịch sự và theo đuổi tôi theo “phong cách Tây”, tặng hoa, tặng quà, mua sô-cô-la mỗi khi đến chơi, bắt tay và ôm hôn tôi mỗi khi tôi tiễn anh ra về.
Người thứ hai cũng mới tốt nghiệp đại học, gia đình ở tỉnh xa, đang ở nhờ nhà chị gái với anh rể. Anh chinh phục tôi theo kiểu thời nay gọi là “ngôn tình”. Anh viết thơ, tặng nhạc, ghi nhật ký cho tôi. Mỗi dịp lễ, tết, sinh nhật tôi, anh về quê mang quà “cây nhà lá vườn” ra biếu bố mẹ tôi, tặng tôi, không quên thổi hồn vào những món quà đó khiến tôi ngây ngất. Có mỗi quả bưởi chua mang ở quê ra, mà anh bảo: “Mẹ anh dặn em ăn bưởi cho có vi ta min, đẹp da, còn vỏ bưởi phơi đi, nấu nước gội đầu mượt tóc và thơm lắm”.
Không hiểu sao ngày ấy tôi dị ứng với đám “trai con nhà giàu”. Trong mắt tôi, họ chẳng là cái gì cả, toàn là lũ ăn hại bố mẹ, yêu đương không thật lòng, nên tôi có vẻ lạnh nhạt với anh ở Tây về. Ngược lại, bố mẹ tôi “rất kết” anh nhà giàu ở Hà Nội. Mẹ tôi bảo: “Mẹ biết, con không ưng thằng Hoàng và có vẻ mến thằng Tiến. Bố mẹ không ép buộc, không định hướng gì cả, tôn trọng sự lựa chọn của con. Nhưng bằng kinh nghiệm sống của người đã hơn con gần 30 tuổi, mẹ có thể nhắc con hãy thực tế một chút.
Cuộc sống sau khi thành vợ thành chồng khác xa những gì con nghĩ. Nó là cơm áo, gạo tiền, là nền tảng gia đình, là sự thông minh, khéo léo, tháo vát của người đàn ông. Người chồng yêu vợ mà để vợ khổ sở, thiếu thốn đủ đường thì cũng là loại “vứt đi”. Không ai có thể mài tình yêu ra thành cơm, thành thịt đâu con ạ”. Tôi biết ý của mẹ, nhưng thấy mẹ tôi sao thực dụng quá mức như vậy. Tôi đọc ở đâu đó, người ta nói rằng vợ chồng chỉ cần có tình yêu thì mọi khó khăn đều có thể lấp đầy. Cuối cùng, tôi chọn Tiến, chàng trai quê xa, biết tặng thơ, biết viết nhật ký và đang làm hợp đồng, ở nhờ nhà anh chị.
Lần dại thứ hai của tôi là khi tôi sinh đứa con thứ hai. Do ăn uống thiếu thốn, lại vất và vì phải làm thêm ca đêm, nên tôi sinh non, mất máu, con nhỏ và yếu ớt. Trong sáu tháng nghỉ ở nhà sinh con, mẹ con tôi sống trong viện tới gần ba tháng. Nghỉ làm, kinh tế khó khăn do chỉ còn có một lương của chồng, nên vợ chồng tôi đã phải sử dụng đến sự trợ giúp của người thân. Bố mẹ tôi thương con gái lấy chồng nghèo, chắt chiu mang đến cho tôi từng quả trứng, mớ rau. Bạn đồng nghiệp đến chơi, không hoa hoét gì cả, đứa cho năm trăm, đứa dúi cho một triệu, bảo rằng “mày không ăn uống cho tốt, con mày lấy sữa đâu mà bú, đã yếu càng yếu hơn”. Chồng tôi đã phải tranh thủ ngày nghỉ, phi xe máy gần trăm cây số về quê vơ ít gạo quê, rau sạch.
(Ảnh: minh họa)
Đến ngày phải đi làm, con tôi vẫn ốm yếu như con mèo hen. Chồng tôi bảo: “Hay em xin nghỉ việc để trông con cho khỏe, anh cố gắng làm thêm để tăng thu nhập, lương em cũng chẳng được bao nhiêu, mà gửi con bây giờ cũng tốn kém. Cứ yên tâm, mọi việc để anh lo…”. Nghe chồng phân tích, tôi thấy “cũng đúng”, nên nghe lời, hôm sau đến cơ quan cảm ơn mọi người đã quan tâm trong thời gian tôi nghỉ sịnh cháu, tiện thể gửi đơn xin nghỉ việc cho giám đốc luôn. Mấy ngày sau, một cô gái trẻ đã đến làm thay công việc của tôi. Ai cũng nói tôi dại…
Tôi bắt đầu sống một cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn. Có tôi ở nhà, chồng tôi đi suốt ngày đêm. Anh bảo anh có người bạn đang làm dự án, mời anh tham gia, thù lao cũng khá, nhưng phải làm vất vả. Nhiều hôm anh không về ngủ nhà, lý do là đi xuống Nam Định khảo sát công trình. Anh ăn diện hơn, thơm tho hơn, chỉn chu hơn, tôi nghĩ anh làm dự án với nước ngoài nên phải lịch sự. Anh ít quan tâm tới mẹ con tôi, bù lại, anh đưa tiền khá hơn trước. Thấy chồng vất vả, làm ngày, làm đêm để có tiền nuôi ba mẹ con, tôi cảm động và thương anh lắm. Gần đây anh còn hay đi công tác vài ba ngày, kể cả vào thứ bảy, chủ nhật. Lý do vẫn là “công việc”.
Bỗng một hôm, một cô bạn cùng làm gọi điện vào ban đêm, báo rằng thấy chồng tôi và một phụ nữ có tuổi đang ở cùng khách sạn với cô ấy trong Đà Nẵng. Tôi hỏi xem cô ấy có nhìn nhầm không, cô ấy khẳng định trăm phần trăm vì “họ ở ngay phòng kế bên phòng mình”. Tôi tức tốc gọi điện cho chồng, ba lần anh tắt máy. Lần thứ tư, anh nghe máy, nhưng giọng nói thì thào, bảo rằng mấy cậu bạn cùng phòng đã ngủ, không muốn nói chuyện, sợ họ tỉnh giấc. Tôi hỏi ngay về việc có bạn gái đi cùng, anh sững người không nói gì. Tôi càng bực bội, nói với anh đủ điều cay độc. Bỗng anh quát to, chắc là đã vào nhà vệ sinh: “Cô im miệng đi không, đây là ân nhân của tôi. Người ta là sếp, giàu có, lịch sự, nhưng đường tình duyên trắc trở. Người ta thương tôi nhà nghèo, vợ con yếu đau, nên tạo cơ hội cho làm ăn, kiếm thêm. Tiền mấy tháng nay tôi mang về đưa cho cô tiêu là tiền “của con đĩ ấy” đấy. Liệu mà ăn nói cho tử tế, kẻo cô ấy biết, nổi giận, cắt viện trợ thì chỉ có “ăn cám lợn”.
Tôi chết điếng. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đang trên bờ vực thẳm, mọi quyết định “đi hay ở” là do tôi, chồng tôi bảo thế. Cay đắng nghĩ lại đời mình, khổ đau, bất hạnh đều gắn với chữ “tiền”. Nghèo nên hèn. Nghèo nên không dám dũng cảm, quyết tâm dứt áo ra đi, để chồng mình “đi kiếm thêm” bằng cách “bán thân nuôi vợ”. Đau buồn, mất ngủ liên miên, tôi sinh nghĩ quẩn, tự đổ lỗi cho mình rằng đã ba lần dại, nên cuộc sống giờ đây “cười không được, khóc không xong”. Có thể khi tôi lấy một người chồng giàu có, chưa chắc đã có hạnh phúc, nhưng đúng là muốn hạnh phúc, thì không thể thiếu tiền.