Ở những người đàn ông bình thường, khi đạt khoái cảm, đàn ông sẽ xuất tinh ra ngoài, tinh trùng sẽ cùng tinh dịch đi ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, việc xuất tinh sẽ đi ngược nguyên lý thông thường, tức là tinh dịch sẽ ra nhưng tinh trùng lại “quay về cơ thể”.
Như với trường hợp anh P.M.K (34 tuổi, Thái Nguyên) lấy vợ hơn 2 năm nhưng chưa có con. Anh tìm đến bệnh viện khám chữa và điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ thông báo tinh dịch của anh không hề có tinh trùng nhưng sinh thiết mào tinh vẫn có sinh tinh.
Sau đó, các bác sĩ kiểm tra nước tiểu sau khi anh K. xuất tinh liền thấy có màu đục đục.
Xác định anh K. mắc chứng xuất tinh ngược, các bác sĩ đã chỉ định, lọc rửa tinh trùng từ nước tiểu để bơm tinh trùng trực tiếp vào âm đạo hoặc bằng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau đó, vợ anh K. thụ thai và vẫn sinh con như bình thường.
BS. CKI Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, bình thường, tinh dịch khi thoát ra ngoài phải mượn đường đi của nước tiểu (niệu đạo). Khi xuất tinh, cơ vòng ở cổ bàng quang đóng kín, ngăn đường thoát ra của nước tiểu.
Lúc này cửa niệu đạo mở, dành quyền ưu tiên cho tinh dịch bắn ra. Nếu cơ vòng ở cổ bàng quang mất khả năng co thắt, cửa niệu đạo đóng thì tinh dịch không thể bắn ra ngoài theo đường niệu đạo mà chỉ còn một con đường là đi vào bàng quang. Y học gọi hiện tượng đó là xuất tinh ngược dòng.
Xuất tinh ngược thường là hậu quả của một số bệnh gây ảnh hưởng đến thần kinh giao cảm chỉ huy cơ vòng ở cổ bàng quang như: bệnh tiểu đường, bệnh vùng chậu đã qua phẫu thuật...
Việc sử dụng lâu ngày một loại thuốc cũng có thể làm tê liệt giao cảm thần kinh. Ngoài ra, xuất tinh ngược có thể do dị dạng bẩm sinh ở niệu đạo hoặc bàng quang.
Theo bác sĩ, dấu hiệu để nam giới nhận biết mình mắc chứng xuất tinh ngược là quan hệ khô, xuất tinh ít, sau khoái cảm đi tiểu có màu đục hoặc nam giới vô sinh không rõ nguyên nhân.