PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết, sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, chất độc phát tán ra ngoài không khí có thủy ngân, bột huỳnh quang… Đó đều là các chất không tốt cho sức khỏe con người khi tiếp xúc hay hít thở.
|
Vụ cháy Rạng Đông khiến môi trường xung quanh có nguy cơ ô nhiễm thủy ngân và nhiều hóa chất độc hại khác. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo lý giải của ông Côn, các chất độc trong đám cháy như đã nêu trên phát tán ở nhiệt độ cao ra ngoài không khí, ngưng đọng lại khi gặp nhiệt độ thấp hơn và lắng xuống mặt đất… Do vậy chất độc không chỉ có trong không khí, mà còn có ở các nguồn nước hở, nước đựng trong bể, thùng hay các vật dụng, cây trồng, đất đai đều có khả năng tiếp nhận các chất độc hại này.
Có rất nhiều loại khí độc vô cùng nguy hiểm được sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Trong nhiều vụ hỏa hoạn, nạn nhân tử vong do ngộ độc khí dẫn đến suy hô hấp.
Trong lịch sử, một số vụ cháy rất nổi tiếng và gây tử vong đã xảy ra trong các khu vực đông đúc, nơi công cộng như câu lạc bộ đêm và nhà hát, tuyên bố có đến hàng trăm nạn nhân.
Theo TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong.
|
Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Nếu tiếp xúc nồng độ cao thì có thể gây tử vong. Ảnh: Internet. |
Không chỉ khói, còn một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp.
Khi vào cơ thể, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Còn những loại khói được sản sinh ra khi cháy nhựa, sơn hay chất xốp.. có thể gây ra những tác động khác nhau đối với cơ thể người. Đặc biệt là còn có thể xuất hiện dioxin. Đối với chất này, nạn nhân chỉ cần hít vào một lượng nhỏ nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ.
Thải độc cơ thể bằng cách nào khi nhiễm độc từ đám cháy?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đối với những trường hợp bị nhiễm khí độc ở mức nặng, cần được sơ cứu đúng cách, sau đó nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Theo đó, nhiều trường hợp các bác sĩ phải tiến hành lọc máu cho bệnh nhân và cho thở oxy để đào thải chất độc ra khỏi cơ thể mới giữ được tính mạng.
Còn đối với những nạn nhân thoát khỏi đám cháy, nếu chỉ bị ngạt khí ở mức độ nhẹ, tức là chỉ chóng mặt, khó thở thông thường thì chỉ cần tới nơi có không khí trong lành, tập hít thở sâu trong một vài ngày, lượng khí độc trong cơ thể dần dần sẽ được đào thải ra ngoài và hầu như không để lại di chứng gì.
Bên cạnh việc hít thở sâu, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi và có một chế độ dinh dưỡng đa dạng, ăn nhiều rau xanh để cung cấp các vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe, từ đó gia tăng sức đề kháng, chống lại những tác nhân xấu tấn công cơ thể cũng như giúp quá trình đào thải các tàn dư khí độc nhanh hơn.
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, khi cơ thể bị nhiễm độc, thận sẽ là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc bài trừ độc tố ra khỏi cơ thể. Do đó, uống nhiều nước để giúp quá trình bài tiết chất độc diễn ra nhanh chóng cũng là một trong những phương pháp thải độc hiệu quả. Theo đó, người bệnh nên uống 2 lít nước lọc mỗi ngày. Đồng thời, tăng cường tập thể dục để tăng quá trình lưu thông máu, nhờ đó các độc tố sẽ được đào thải dễ dàng, giúp cơ thể sớm hồi phục so với ban đầu.