Tính đến ngày 16/3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 358 ca ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh, TP. Nha Trang. Hiện 170 bệnh nhân đang điều trị ở 13 bệnh viện và trung tâm y tế tại địa phương. Những người còn lại xuất viện hoặc được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú. Nguyên nhân ngộ độc bước đầu được cơ quan chức năng xác định do vi khuẩn Salmonella.
Thực tế, vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Trước đó, Quảng Nam cũng ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella khiến 273 người nhập viện sau khi dùng đồ tại một cửa hàng bánh mì.
Trên thế giới, nhiều vụ ngộ độc do Salmonella với quy mô lớn. CDC ước tính, vi khuẩn này gây ra khoảng 1,35 triệu ca bệnh, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm.
|
Khuẩn Salmonella là nguyên nhân phổ biến gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa |
Theo Clevelandclinic, nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm khuẩn Salmonella là ăn thực phẩm nấu chưa chín hoặc chế biến thực phẩm không đúng cách, chẳng hạn như:
- Ăn thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng chưa chín kỹ.
- Ăn trái cây và rau quả ô nhiễm.
- Uống nước bị ô nhiễm hoặc sữa chưa tiệt trùng.
- Không rửa tay khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống.
Đặc biệt, khi mổ thịt gia súc và gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường, bám vào thực phẩm như thịt, trứng. Ăn thực phẩm này chưa nấu chín kỹ, cơ thể sẽ nhiễm khuẩn Salmonella.
Sự nguy hiểm của vi khuẩn Salmonella
Khuẩn Salmonella đi vào hệ tiêu hóa của cơ thể, sau khi chết sẽ giải phóng ra nội độc tố. Vi khuẩn Salmonella chết càng nhiều càng có nhiều độc tố giải phóng tấn công vào cơ thể người nhiễm. Nội độc tố của vi khuẩn Salmonella gây ra ảnh hưởng rất xấu tại ruột, làm tổn thương niêm mạc ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột).
Nội độc tố do vi khuẩn Salmonella giải phóng đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương làm tổn thương hệ thần kinh và nhiễm độc toàn thân. Một số trường hợp, nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ.
Đáng lưu ý, khuẩn Salmonella có sức sống và sức đề kháng rất tốt. Chúng chịu được lạnh, sống 2-3 tháng trong nước đá; nước thường sống hơn 1 tháng; trong rau quả 5-10 ngày và trong phân 1 đến vài tháng.
Cách ngừa nhiễm khuẩn Salmonella
Theo Clevelandclinic, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, mọi người nên ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước, ngâm rau bằng thuốc tím.
Để riêng thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng với các thực phẩm khác trong giỏ hàng tạp hóa và trong tủ lạnh. Sử dụng thớt, đĩa riêng cho nông sản, thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng.
Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã đựng trứng sống hoặc nấu chưa chín, thịt, thịt gia cầm, hải sản hoặc nước ép của chúng.
Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh; trước và sau khi chuẩn bị thực phẩm sống.
Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.
Rửa hoặc gọt vỏ rau và trái cây trước khi cắt, ăn hoặc nấu.
Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt, gia cầm và hải sản càng sớm càng tốt.
Không uống sữa chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng.
Không uống nước chưa qua xử lý; không ăn thực phẩm được chế biến từ nước chưa qua xử lý. Nếu bạn không chắc chắn liệu nước đã được xử lý hay chưa (khi đi du lịch), hãy sử dụng nước đóng chai để uống và nấu ăn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hướng dẫn xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà