Nghe lời cầu xin của bác giúp việc mà tôi rơi nước mắt

Google News

Mỗi khi thấy bác giúp việc ân cần khuyên nhủ, đút từng muỗng cơm cho mẹ mình mà tôi thương quá đỗi!

Sau một lần bị té ngã trong nhà tắm thì sức khỏe của mẹ tôi xuống hẳn. Bà bị liệt nửa người dưới nên không đi đứng được nữa. Nhưng nửa thân người trên vẫn còn cảm giác. Chính điều đó càng khiến mẹ tôi rơi vào khủng hoảng tinh thần. Một người phụ nữ luôn xông xáo làm mọi việc trong nhà, giờ phải nằm liệt một chỗ, ngay cả những nhu cầu căn bản cũng phải có người giúp, hỏi sao bà không buồn bực.
Thời gian đầu, anh trai còn phụ vợ chồng tôi chăm sóc mẹ. Nhưng suốt cả năm trời như thế, ai cũng bắt đầu mỏi mệt. Thấy anh đường xá xa xôi mà ngày nào cũng phải về chăm sóc mẹ, tôi bàn chuyện thuê người giúp việc.
Bác giúp việc nhỏ hơn mẹ tôi 1 tuổi, cũng là hàng xóm với mẹ tôi. Trước đây, bác ấy với mẹ tôi vốn thân thiết, sau khi mẹ tôi bệnh, bác ấy cũng thường lui tới chăm nom. Khi tôi ngỏ lời muốn bác ấy chuyển đến nhà mình ở, giúp đỡ, bầu bạn với mẹ mình, bác ấy đã đồng ý ngay.
Nhưng mẹ tôi không còn hiền hậu như trước nữa. Có lẽ nỗi đau thể xác khiến tinh thần bà cũng bị ảnh hưởng. Mẹ thường cáu gắt, hay to tiếng với mọi người, kể cả bác giúp việc từng là hàng xóm thân thiết. Mỗi khi thấy bác giúp việc ân cần khuyên nhủ, đút từng muỗng cơm cho mẹ mình mà tôi thương quá đỗi!
Mãi đến chiều tối qua, tôi vô tình thấy cảnh mẹ mình hất đổ cả bát cơm canh trên tay bác giúp việc; bác ấy không những không giận dữ mà còn lau dọn từng chút một thì tôi càng khó xử hơn. Nhà bác giúp việc khá có điều kiện, các con đều làm ăn được và không muốn mẹ đi chăm sóc người khác. Họ cũng từng nói với tôi rằng mong tôi tìm người giúp việc khác, để mẹ họ được nghỉ ngơi. Giờ lại thấy bác bị mẹ tôi đối xử như vậy, tôi rất ái ngại, sợ tình cảm hàng xóm láng giềng sẽ bị ảnh hưởng.
Buổi tối, tôi buồn bã bảo bác giúp việc nghỉ việc để anh em tôi sắp xếp nhau chăm sóc mẹ. Nào ngờ, bác giúp việc cầu xin tôi để bác ấy tiếp tục chăm sóc mẹ tôi. Bác bảo: "Bác quen biết mẹ con đến nay cũng đã vài chục năm, tình cảm keo sơn, tối lửa tắt đèn có nhau. Tính mẹ con như thế nào, bác hiểu. Bác không trách mẹ con nóng tính, ai bị bệnh mà chẳng khó chịu. Ngoài bác ra, cũng không ai đủ sức chịu đựng mẹ con đâu, nên con cứ để bác chăm".
Nghe bác ấy nói, tôi xúc động rơi nước mắt. Mẹ tôi cũng nghe được nên sáng nay, tôi không thấy bà la hét gây khó dễ cho người khác nữa. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất phân vân. Tôi có nên chủ động sang nhà bác ấy, kể hết mọi chuyện để các con bác ấy hiểu và thông cảm giúp mẹ tôi không? Lúc đó, nếu họ không đồng ý để bác ấy chăm sóc mẹ tôi nữa, tôi cũng bằng lòng.
Theo Tintuconline

>> xem thêm

Bình luận(0)