Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW với PV Kiến Thức, cho biết, bệnh viện này mới tiếp nhận một ca bệnh mắc liên cầu lợn rất nguy kịch.
Sự việc xảy ra khi 3- 4 người cùng mổ con lợn ốm, sau đó khoảng 20 người trong gia đình cùng nhau ăn nhưng ông ông Đ.V.K (51 tuổi, Thanh Hóa) là người duy nhất bị mắc liên cầu lợn.
3 ngày sau khi mổ lợn, ông K. có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh cùng với đó là những vết thâm đen trên tay nhưng vẫn không chịu đi bệnh viện, chỉ khi có dấu hiệu nguy kịch, mới đồng ý cho gia đình đưa đi viện.
Nhập viện điều trị tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW từ ngày 14/8 vừa qua, nhưng tới giờ ông K. vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch. Chị Đỗ Thị Trang, con gái ông K. cho biết: “Sau 3 ngày chỉ có mình bố tôi bị thôi vì ông trực tiếp tham gia mổ, mà tay lại có các vết xước. Có lẽ do sức đề kháng kém dẫn đến tình trạng này".
|
Bệnh nhân K. hiện vẫn đang rất nguy kịch. |
Nói về tình trạng của bệnh nhân K., Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh nhân Đ.V.K được chuyển đến BV Nhiệt đới Trung ương hôm 14/8 trong tình trạng sốc, hôn mê, suy gan suy thận. Bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, thở máy, lọc máu liên tục”.
Cũng theo BS Cấp, tiết canh là nguyên nhân gây ra 70% ca nhiễm liên cầu lợn còn lại là qua giết mổ, tiếp xúc và ăn thịt lợn chưa được nấu chín. Do khi giết mổ lợn, tiếp xúc (vệ sinh chuồng trại), chế biến thịt lợn nhiễm liên cầu…. vi khuẩn cũng có thể lây bệnh qua các vết xước, như trường hợp của ông K.
Năm nào cũng vậy, có tới hàng trăm ca mắc liên cầu lợn nhập viện và đã có trường hợp tử vong. Dù đã được cảnh báo từ ngành Y tế nhưng vì tiếc rẻ, chủ quan người ta vẫn giết mổ, ăn thịt lợn chưa được nấu chín từ những con lợn bệnh của những người thân quen nuôi. Bằng chứng là từ đầu năm tới nay, tại khoa Cấp cứu đã tiếp nhận khoảng vài chục bệnh nhân mắc bệnh này.
Nếu may mắn vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, thì bệnh nhân mắc liên cầu lợn này sau này cũng chịu nhiều di chứng để lại do liên cầu lợn như bị điếc vĩnh viễn, thậm chí xấu hơn nếu bị hoại tử tay có thể phải cắt chi.
Các bác sĩ khuyến cáo: Để phòng liên cầu lợn, tuyệt đối không ăn tiết canh, ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín. Khi giết thịt, chế biến, vệ sinh chuồng trại cần có phương tiện bảo hộ phù hợp. Đặc biệt với lợn ốm càng không nên giết thịt.