Sáng vừa thức giấc, chị đã ngửi thấy mùi rất thơm. Chị vào bếp, thấy hai tô cháo để sẵn trên bàn. Anh đang xay tiêu, bảo chị: “Em đánh răng rồi ăn cháo, anh mới nấu đó”. Chị ngạc nhiên, nghe nghèn nghẹn nơi cổ.
Lấy nhau hơn 30 năm, hiếm hoi lắm anh mới nấu cháo cho chị. Chị nhẹ nhàng ngồi vào ghế, hít hà mùi cháo thơm. Buổi sáng của chị bỗng trong veo.
Trong cháo có thịt. Chị ngạc nhiên. Nhà xa chợ, trời lại chưa sáng, anh lấy thịt đâu ra để nấu? Như hiểu điều chị thắc mắc, anh nói: “Thịt cóc đó em. Tối qua trời mưa, anh đặt bẫy ở ngoài vườn, dính ba con”. Ruột chị cuộn lên, suýt nôn ra ngoài. Cảm giác thất vọng khiến chị rũ xuống.
Xuất thân là dân miệt vườn, nhưng chị không biết ăn thịt cóc, anh biết rõ, nhưng có lẽ hôm nay cao hứng nên quên. Ừ thì miễn anh có lòng là được, chấp nhặt làm chi.
|
Ảnh minh họa |
Nhà anh có bảy anh em, ruộng đất lại ít. Má kêu chị về, cho căn nhà cấp bốn. Từ ngày ở nhà vợ, anh trở nên phòng thủ, chẳng đưa chị đồng nào nuôi con. Ngoài lương giáo viên, thêm ít thu nhập từ mảnh vườn be bé, chị cố thu vén để khỏi thiếu hụt. Thỉnh thoảng, anh mua về vài món ngon, xem như xong trách nhiệm. Chị tự an ủi, anh dành dụm chắc cũng để lo cho con.
Nhớ lần thằng út nằm viện, chị đang túng bấn nên hỏi tiền anh. Anh nói không có. Thì ra tiền của anh hằng tháng đều cho má, giúp anh em nhà anh. Anh còn khai thật, má dặn đừng có ngu đưa tiền cho vợ. Phận ở rể, ly hôn là ra đi tay trắng.
Ba má ly hôn lúc chị còn nhỏ. Chị rất sợ hai con sẽ giống mình, sống khắc khoải dưới mái nhà chỉ còn nửa mảnh ghép, xoay phía nào cũng chông chênh. Trong những lần sức cùng lực kiệt, chị ngoái nhìn hai đứa con để đủ sức bao dung anh. Chị luôn nuôi hy vọng, rồi sẽ có ngày anh nghĩ lại.
Lúc xây nhà mới, anh đưa chị 13 triệu đồng. Con lớn cưới vợ, anh góp vào cặp rượu làm sính lễ… Năm tháng trôi qua, niềm hy vọng trong chị tắt dần. Có lần, chị hỏi hai đứa con: “Ba mẹ ly hôn, hai đứa nghĩ sao?”. Thằng út ôm chị, không nói. Thằng lớn khẽ thở dài: “Mẹ đuổi ba về nội rồi ba ở đâu, ai lo cho ba?”…
|
Ảnh minh họa |
Qua tuổi 50, chị học cách sống tĩnh tâm, không buồn, không giận. Chị tìm vui trong công việc và đứa cháu nội vừa chào đời. Tuổi hoàng hôn, quan trọng là tâm an. An hay không, là phải biết buông bỏ. Thấu hiểu lẽ đời, nhưng chị không khỏi xót xa khi nghĩ đến tuổi già đuổi tới bên lưng.
Hằng, hàng xóm của chị, có chồng vừa bị tai biến. Đút cháo cho chồng, hễ ổng phun là Hằng dẹp chén cháo. Ngoài lúc cho ăn và uống thuốc, Hằng không bước chân vào chỗ chồng nằm. Căn phòng sặc mùi xú uế lợm giọng…
Ngày còn khỏe mạnh, mỗi lần chồng nhậu về là kiếm chuyện đánh Hằng. Chồng làm mười đồng, bảy đồng mang cho gái. Hằng đầu tắt mặt tối mới nuôi hai con nên người. Giờ chồng nằm một chỗ, tình cạn, nghĩa vơi. Hằng tìm không ra lý do để dìu đỡ chồng trong cơn hoạn nạn.
Hằng tâm sự, cô không phải người tàn ác, cũng rất sợ con cái nhìn vào, nhưng bảo sao cũng không thể thương xót người đàn ông từng chà đạp mình.
Tuổi già khó ngủ khó ăn, xương khớp nhúc nhích cũng nghe đau. Cần lắm sự sẻ chia, an ủi của người cùng giường. Rủi khi nằm liệt một chỗ, tiêu tiểu không kiểm soát. Mùi người bệnh chẳng ai dám đứng gần. Không yêu thương, không tình, không nghĩa, mấy ai can đảm chịu lăn vào chăm sóc?
Chị thấy mình ở thì tương lai phía sau cái bóng của Hằng mà run sợ.
Mấy tháng nay, đại dịch tràn về. Số ca nhiễm và tử vong khắp thế giới tăng hằng ngày tới mức không thể tin nổi. Những giá trị gia đình được nhìn nhận lại ở mặt tích cực. Người bạn của anh vô tình tiếp xúc với bệnh nhân F1, phải đi cách ly. Bạn gọi cho anh, giọng ngập ngừng: “Trước giờ tao có làm gì sai, tụi mày bỏ qua nhé”. Bạn nói dù biết không nguy hiểm gì nhưng bỗng dưng anh hay nghĩ vẩn vơ, thấy quý giá từng phút giây đang sống.
Cơn biến cố chung của loài người có lẽ đã thức tỉnh lương tri của chồng chị, nên sáng nay mới có tô cháo cóc này. Chị nhen lên hy vọng sẽ có những tô cháo khác, những bữa cơm khác do tự tay anh nấu. Chắc chắn sẽ có.