Sáng hôm đó, mẹ con tôi sẽ dậy từ sớm tinh mơ chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn với gà luộc, xôi đậu xanh, bánh chưng, giò lụa, canh măng, một đĩa rau xào... để cúng ông bà, tổ tiên. Đợi gia đình chú Sáu đến thắp nhang cho ông bà xong, chúng tôi sẽ quây quần bên mâm cơm ngày Tết, cùng ăn uống, cùng ôn chuyện cũ, nói chuyện hôm nay và bàn chuyện mai sau.. Không khí thật đầm ấm, vui vẻ.
Tết năm nào cũng vậy, chị em tôi luôn háo hức chờ đến sáng mùng Một để được chú Sáu lì xì. Chú luôn chuẩn bị những đồng tiền mới cứng đựng trong những chiếc bao lì xì đầy màu sắc rực rỡ thơm mùi nước hoa và đặt vào lòng bàn tay của chúng tôi với những lời chúc, lời dặn dò dài "tràng giang đại hải". Chúng tôi sẽ nhét ngay những đồng tiền may mắn của chú vào con heo đất đang cười toe toét của mình, lòng đầy hớn hở.
Có vẻ như công việc của chú Sáu ngày càng thuận lợi nên chú luôn lì xì năm sau nhiều hơn năm trước. Nhớ những ngày đầu khi bố tôi và chú mới dắt díu nhau từ Thái Bình vào mảnh đất Gia Lai này tìm cơ hội làm ăn, cuộc sống khó khăn đến mức hai nhà phải ăn cơm độn khoai, độn sắn sống qua ngày.
Bố tôi đã phải bán hết nhà cửa, vườn tược ở quê lấy tiền mua rẫy trồng cà phê. Lúc đó, vợ chồng chú Sáu ở cùng và làm thuê cho nhà tôi. Thời gian đầu, cà phê chưa có thu, chúng tôi phải trồng xen kẽ ngô, khoai, sắn, đậu phộng để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ trời thương, mấy năm cà phê được mùa, được giá, nhà tôi cũng có của ăn, của để.
Tính kế làm ăn lâu dài, bố tôi mua một mảnh đất ở thành phố, làm nhà, mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng còn mấy sào rẫy thì để cho vợ chồng chú Sáu làm, được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Kinh tế nhà chú nhờ vậy cũng khá lên trông thấy.
Tuy nhiên, ít năm sau đó, bố tôi bị tai nạn phải chạy chữa cả năm trời tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, kinh tế sa sút hẳn. Sau khi sức khỏe hồi phục, bố tôi cần vốn làm ăn nên có ý đòi lại mấy sào rẫy. Bố tôi nói hoặc là chú Sáu trả lại đất hoặc là trả bằng tiền cho nhà tôi cũng được.
Trong khi đó, chú Sáu vẫn đinh ninh là bố tôi đã cho hẳn chú số đất đó. Vợ chồng chú cũng mới xây xong một căn nhà khang trang trên mảnh đất này. Đang yên đang lành, anh trai lại nói chuyện đòi đất nên chú tức giận nói bố tôi không ra gì. Vợ chồng chú nói bố tôi là người hai mặt, sống vật chất, coi tiền hơn cả tình nghĩa anh em, muốn đẩy cả nhà chú ra đường...
Bố tôi cũng nóng tính, cho rằng chú là loại người vô ơn, ăn cháo đá bát, mượn đất rồi lấy luôn làm của mình không chịu trả...Bố nói nếu chú đã là con người không biết điều như vậy thì phải đòi cho bằng được, không nhân nhượng gì hết.
Cũng vì mảnh đất đó mà bố tôi và chú Sáu từ chỗ là hai anh em tâm đầu ý hợp, luôn yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau bỗng dưng trở thành kẻ thù. Hai người nhiều lần to tiếng với nhau. Đỉnh điểm là việc bố tôi và chú đánh nhau một trận thừa sống thiếu chết. Trong cuộc xô xát đó, cả bố tôi và chú đều bị thương phải nằm viện mất mấy ngày. Bố tôi và chú tuyên bố từ mặt nhau kể từ đó.
Sau khi bị bố tôi tuyên bố từ mặt, cả gia đình chú quyết định trả lại bố tôi mảnh đất, còn bố tôi trả vợ chồng chú tiền căn nhà chú xây trên mảnh đất đó. Giải quyết sòng phẳng chuyện tiền nong xong, cả gia đình chú chuyển đi nơi khác sinh sống.
Hồi đó, tôi còn nhỏ, lại chưa có điện thoại nên cũng chẳng biết liên lạc với chú bằng cách nào, chẳng biết gia đình chú chuyển đến sống ở đâu. Tôi chỉ biết rằng kể từ đó không còn nhìn thấy chú nữa, không còn được chú lì xì mỗi sáng sớm mùng Một Tết... Sống với chú từ nhỏ trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió này, với tôi, chú còn giống như một người bạn, cùng tôi đá bóng, thả diều,, bẫy chim, bẫy chuột... Tôi đã nhớ chú rất nhiều.
Đã hơn chục năm trôi qua kể từ cuộc chia ly năm nào. Giờ tôi đã thay bố tiếp quản cửa hàng vật liệu xây dựng của gia đình vì bố tôi bị bệnh gan, chẳng còn được bao nhiêu sức khỏe. Thấy không khí Tết tràn ngập khắp phố phường, tôi lại thấy lòng buồn tê tái khi bác sĩ nói bố tôi có thể sẽ chỉ sống thêm được một vài tháng nữa thôi. Có lẽ, đây sẽ là cái Tết buồn nhất đời tôi khi biết mình sẽ mất đi người cha đáng kính.
Cả nhà tôi tuyệt nhiên không ai dám nói về bệnh tình của bố. Nhìn bố nằm trên giường bệnh dường như chỉ còn da bọc xương, mẹ và chị em tôi chỉ còn biết lặng lẽ quay đi cố giấu giọt nước mắt. Nhưng có lẽ, bằng linh cảm, bố tôi biết điều gì đang đến với mình. Bố nằng nặc đòi về nhà ăn Tết. Thấy mẹ con tôi sụt sùi như đưa đám, bố khoát tay nói bằng giọng yếu ớt: "Xời ơi, ai mà chả phải chết. Tôi chỉ muốn đón một cái Tết thật vui và...". Giọng bố nghẹn lại: "Và được uống với thằng Sáu chén rượu mừng xuân".
Nghe bố nhắc đến chú Sáu, nước mắt tôi trào ra không thể nào kìm lại được. Mẹ và em tôi cũng gục đầu lên giường bệnh òa khóc nức nở. Từ khóe mắt bố tôi, hai hàng nước mắt cũng rưng rưng. Hôm đó đã là 29 Tết.
Thế là chúng tôi cấp tốc chạy về dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đồ ăn, thức uống, chuẩn bị đồ gói bánh chưng... để kịp đón bố về ăn Tết. Tôi liên hệ với tất cả người quen để dò hỏi tin tức của chú Sáu. Không ngờ, chú đã mua nhà, mua rẫy ở cách nhà tôi chỉ 50km.
Tôi lái xe máy chạy một mạch đi tìm chú. Không thể diễn tả hết được cảm xúc của tôi khi gặp lại chú. Hai chú cháu ôm nhau đến nghẹt thở, vừa khóc vừa cười trong giây phút nhận ra nhau. Biết bệnh tình của bố, cả nhà chú vội gói ghém đồ đạc lên nhà tôi ăn Tết.
Chúng tôi về đến nhà đúng thời điểm giao thừa. Cả nhà gặp nhau mừng mừng tủi tủi, mọi ân oán trên đời bỗng thành vô nghĩa khi những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên má và những vòng tay yêu thương siết chặt lấy nhau sau những năm dài xa cách. Tôi biết rằng đây chính là cái Tết ý nghĩa nhất của đời mình, của cả gia đình và đặc biệt là của bố tôi.