Lý do một số người chưa từng mắc COVID-19

Google News

Việc một người chưa từng mắc Covid-19 dù đã phơi nhiễm với mầm bệnh có khả năng là do họ có miễn dịch tự nhiên với virus SARS-CoV-2 hoặc vì họ may mắn.

Trên thế giới có rất nhiều người may mắn, đó là cho tới giờ họ chưa từng mắc COVID-19. Hơn 60% dân số Vương quốc Anh đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 ít nhất một lần. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là còn cao hơn nữa bởi có những ca không triệu chứng.

Tuy có người từng mắc mà không hề biết mình nhiễm SARS-CoV-2, có những đối tượng chưa bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính. Lý do một số người miễn nhiễm với COVID-19 là một bài toán khó tồn tại suốt đại dịch, theo Conversation.

Vaccine và biện pháp phòng ngừa có phải là chìa khóa?

Lời giải thích đơn giản nhất là những người này chưa bao giờ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Có thể những đối tượng dễ bị tổn thương - như mắc bệnh tim hoặc phổi mạn tính - đã liên tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh khả năng lây nhiễm từ người khác.

Tuy nhiên, do mức độ lây lan trong cộng đồng ở mức cao, đặc biệt là với biến chủng Omicron dễ lây lan, khả năng một cá nhân nào đó đi làm hoặc đi học, đi chơi và đi mua sắm mà không tiếp xúc gần với virus là cực kỳ thấp.

Không chỉ vậy, có những người đã trải qua mức độ phơi nhiễm cao, chẳng hạn như nhân viên bệnh viện hoặc thành viên gia đình của người mắc COVID-19, bằng cách nào đó vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine không chỉ làm giảm nguy cơ bệnh nặng mà còn giảm khoảng 1/2 khả năng lây lan SARS-CoV-2 bên trong hộ gia đình. Do đó, việc tiêm phòng có thể là nguyên nhân giúp một số thành viên trong gia đình tránh mắc bệnh.

Tuy vậy, điều cần lưu ý là những nghiên cứu này thực hiện trước khi Omicron xuất hiện. Do đó, dữ liệu về tầm ảnh hưởng của vaccine đối với sự lây lan của Omicron vẫn còn hạn chế.

Ly do mot so nguoi chua tung mac COVID-19

Vaccine có thể là nguyên nhân giúp nhiều người miễn nhiễm với COVID-19. Ảnh: New York Times.

Tuổi tác và di truyền

Một giả thuyết khác lý giải một số người không mắc COVID-19 ngay cả khi virus xâm nhập vào đường hô hấp là do thiếu các thụ thể cần thiết để SARS-CoV-2 tiếp cận các tế bào.

Sau khi một người bị nhiễm virus, các nhà nghiên cứu xác định rằng cách hệ miễn dịch phản ứng với SARS-CoV-2 đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Do đó, phản ứng miễn dịch nhanh chóng và mạnh mẽ có thể ngăn không cho virus nhân lên trong lần tiếp xúc đầu tiên.

Tuổi tác và di truyền là 2 yếu tố xác định phần lớn hiệu quả của phản ứng miễn dịch. Do đó, lối sống lành mạnh có vai trò quan trọng. Ví dụ, thiếu hụt vitamin D làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm, trong khi ngủ không đủ giấc cũng tác động bất lợi đến khả năng chống lại các mầm bệnh xâm nhập cơ thể.

Một nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chủ yếu trong 20% trường hợp nguy kịch là do di truyền.

Cũng giống như di truyền có thể là một trong những yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh, cấu tạo gen có thể nắm giữ chìa khóa để chống lại lây nhiễm SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu của chuyên gia Lindsay Broadbent tại Trường Dược phẩm, Nha khoa và Y sinh, Đại học Queen's Belfast của Vương quốc Anh, tác giả đã nuôi cấy tế bào mũi của người hiến tặng lên đĩa nhựa, sau đó đưa virus vào tế bào và xem xét cách tế bào phản ứng lại. Trong quá trình đó, nhóm tác giả phát hiện một người hiến tặng có tế bào không thể bị nhiễm SARS-CoV-2.

Ly do mot so nguoi chua tung mac COVID-19-Hinh-2

Một tấm bảng yêu cầu đeo khẩu trang ở Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các tác giả phát hiện một số đột biến di truyền thú vị, bao gồm vài đột biến liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể khi bị nhiễm. Một đột biến - mà các tác giả xác định được trong một gen có chức năng cảm nhận sự hiện diện của virus - trước đây đã được chứng minh có khả năng chống lại lây nhiễm HIV.

Cũng có khả năng là việc nhiễm các loại virus corona khác trước đó dẫn đến miễn dịch phản ứng chéo (cross-reactive). Đó là khi hệ thống miễn dịch nhận ra SARS-CoV-2 tương tự một loại virus đã xâm nhập vào cơ thể trước đó và có phản ứng lại.

Có 7 loại virus corona lây nhiễm sang người: 4 loại gây cảm lạnh thông thường, một loại gây ra SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng), MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) và COVID-19.

Một câu hỏi khác là khả năng miễn dịch này tồn tại được bao lâu. Các loại virus corona lưu hành theo mùa trước năm 2020 có thể gây ra tình trạng tái nhiễm sau 12 tháng.

Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, nếu một người chưa từng mắc COVID-19, có khả năng họ có miễn dịch tự nhiên đối với SARS-CoV-2, hoặc đơn giản là họ may mắn.

Dù bằng cách nào, mọi người cũng nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống lại loại virus mà giới khoa học vẫn chưa thể hiểu rõ, thậm chí là nắm rất ít thông tin, theo Conversation.

Theo Phương Linh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)