Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ai trong chúng ta cũng có khả năng mắc phải căn bệnh này, vì bên cạnh các yếu tố khách quan do di truyền, sắc tộc, môi trường địa lý,...nó là hệ quả trực tiếp mang lại do các thói quen sống chưa lành mạnh.
Nước ta có tỉ lệ gia tăng đái tháo đường nhanh nhất thế giới
Theo khảo sát mới nhất của Cục quản lý khám – chữa bệnh Bộ Y tế, số lượng người dân mắc phải đái tháo đường đang không ngừng gia tăng thậm chí có dấu hiệu nhanh hơn bất thường và trẻ hóa. Tỷ lệ người dân mắc bệnh hàng năm là 5,5%. Theo những con số mà Cục quản lý mới công bố thì năm 2015, nước ta có khoảng 3,5 triệu người trưởng thành mắc đại tháo đường. Dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người tương đương với một thành phố đông dân nhất hiện nay của Việt Nam.
|
Ảnh minh họa. Nguồn TTXVN. |
Cũng theo báo cáo của Cục quản lý khám chữa bệnh thì mỗi năm nước ta tốn khoảng 3 đến 6% ngân sách của ngành Y tế để dành cho việc chữa trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Thạc sĩ, Bác sĩ. Phan Hướng Dương, Phó giám đốc bệnh viện nội tiết Trung ương cho biết, đa phần là đái tháo đường tuýp 2 chiếm khoảng 90%. Căn bệnh này đã và đang ảnh hưởng đến mọi người và mọi lứa tuổi trong xã hội. Trước đây căn bệnh đái tháo đường tuyp 2 thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi nhưng hiện nay bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều và càng phổ biến.
Nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 mắc bệnh ở lứa tuổi còn quá trẻ 11-15 tuổi, và không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện về ăn uống mà đã xuất hiện nhiều ở các tỉnh thành miền núi như Phú Thọ.
Lý do khiến ngày càng nhiều người Việt mắc tiểu đường
TS Dương phân tích nguyên nhân của sự gia tăng bệnh đái tháo đường là do dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc, lạm dụng rượu bia. Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc; ¼ trong số nam giới uống rượu ở ngưỡng gây nguy hại; khoảng 2/3 người dân ăn thiếu rau xanh và trái cây; gần 30% người dân thiếu các hoạt động thể lực.
“Riêng trong dinh dưỡng, tổng số năng lượng không thay đổi nhưng khẩu phần thay đổi đổi nhanh chóng và tạo ra sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn và dư thưa năng lượng. Chỉ lấy ví dụ mức độ thiêu thụ dầu, mỡ tăng nhanh từ 12 g mỗi người trên ngày vào năm 1985 thì đã tăng lên 24,9 g vào năm 2000 và tăng vọt lên 37.7 g vào năm 2010- cao hơn rất nhiều các nước là yếu tố thúc đẩy thừa cân, béo phì dẫn đến đái tháo đường.
Trong khi đó, theo nghiên cứu trên các bệnh nhân tiểu đường, số bệnh nhân chưa tuân thủ chế độ ăn vẫn chiếm tới 33%; có tới 26,6% gia đình không khám, kiểm tra các xét nghiệm để phát hiện biến chứng sớm, tỷ lệ bệnh nhân bỏ thuốc điều trị cao, trong đó bệnh nhân được cấp thuốc điều trị lại bỏ nhiều hơn bệnh nhân tự mua thuốc điều trị... khiến cho tình hình tiểu đường ngày càng khó kiểm soát hơn.
Chi phí điều trị tiểu đường chiếm khoảng 6% ngân sách của ngành y tế trong một năm, hầu hết chi phí điều trị tập trung cho biến chứng của tiểu đường như tim mạch, tai biến mạch máu não, mù lòa, hoại tử chi, suy thận... gây ra.
Có thể nói tỉ lệ bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng nhanh như hiện nay, một phần do lối sống với chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh còn rất hạn chế. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo, tại các nước đang phát triển như nước ta cần xây dựng kế hoạch giáo dục quần chúng về ý thức phòng bệnh và việc thay đổi lối sống để ngăn chặn ĐTĐ, loại bệnh đang được cho là đại dịch của toàn nhân loại.
Video: Thực hư ăn cơm trắng gây tiểu đường nhiều hơn nước ngọt: