Giữa trưa ở khu vực quận 1 (TP.HCM), nhiệt độ ngoài trời lên đến 31-32 độ C, nhóm đồng nghiệp của Hoàng Bảo (25 tuổi) lại thi nhau trùm chăn, mặc áo khoác kín người. Bởi lẽ, nhiệt độ trong văn phòng họ lúc này đang ở mức 18-19 độ C.
Hoàng Bảo kể khách đến văn phòng của anh thường đánh giá cao về sự chuyên nghiệp và chỉn chu vì thấy đa số nhân viên đều có một chiếc blazer - một loại áo khoác giống như áo vest nhưng đơn giản hơn. “Thực ra chúng tôi mang theo blazer là để lúc nào lạnh thì khoác thêm”, anh vừa cười vừa nói.
Sau những đợt nắng nóng càn quét khắp Đông Nam Á, những chiếc máy lạnh đã trở thành thiết bị không thể thiếu giúp người dân chống chọi với những đợt nắng nóng kỷ lục. Tuy nhiên, sử dụng máy lạnh sao cho đúng cách vẫn là một vấn đề lớn.
“Kiếp nạn” máy lạnh văn phòng, quán cà phê
Sau 4 năm ở TP.HCM, Hoàng Bảo đã làm việc ở ba văn phòng khác nhau và hai trong số đó là văn phòng hạng A - loại văn phòng cao cấp có vị trí trung tâm, diện tích sàn lớn và nhiều tiện ích cho nhân viên.
|
Các đồng nghiệp của Hoàng Bảo (đang cầm micro) thường mặc sơ mi tay dài hoặc khoác thêm blazer để chống lạnh ở văn phòng. Ảnh: NVCC. |
“Nơi mình thích làm việc nhất lại là dạng văn phòng nhỏ, sử dụng máy lạnh gia đình dễ điều chỉnh”, anh chia sẻ. Theo Hoàng Bảo, các văn phòng lớn thường sử dụng máy lạnh công nghiệp, khó kiểm soát nhiệt độ nên không khí lúc nào cũng lạnh và khô. Do vậy mà anh hay sổ mũi, nhức đầu.
Tương tự, sức khỏe của Anh Thư (21 tuổi, sinh viên) cũng bị những chiếc máy lạnh ở quán cà phê “tấn công”. Sau một buổi ngồi cà phê ở quận 7 để làm bài tập nhóm, cô sốt hơn một tuần vì phải chịu lạnh trong thời gian dài và nhiệt độ thay đổi đột ngột khi ra khỏi quán.
|
Anh Thư chọn im lặng khi các bạn không đồng ý tăng nhiệt độ. Ảnh: NVCC. |
“Hôm đó mình mặc áo khoác dày mà vẫn run cầm cập vì quá lạnh. Muốn nhờ nhân viên tăng thêm một chút nhưng hỏi thì các bạn bảo nhiệt độ đang bình thường, tăng thêm sẽ nóng. Đành phải cắn răng chịu lạnh đến khi họp xong”, cô kể.
Ngược lại, các đồng nghiệp của Ngọc Diệp (23 tuổi, làm việc tại quận 3) có phản ứng mạnh mẽ khi nhiệt độ không theo ý thích.
Diệp chia sẻ văn phòng của công ty cô có diện tích không quá rộng nên chỉ sử dụng máy lạnh gia đình. Điều khiển máy lạnh sẽ được đặt tự do để nhân viên chỉnh nhiệt độ theo ý thích. Song, mỗi người lại có một khả năng chịu lạnh và sở thích khác nhau.
Ngọc Diệp kể đồng nghiệp của cô thường cãi nhau vào mỗi buổi trưa để quyết định nên bật hay tắt máy lạnh. Một phía cho rằng bật máy lạnh buổi trưa sẽ giúp việc ăn uống, nghỉ ngơi dễ chịu hơn. Phía khác lại muốn tắt máy lạnh, mở cửa sổ để mùi thức ăn không bám vào quần áo, thiết bị.
Không chỉ những buổi trưa, công ty của Diệp có thể dành 15 phút đầu mỗi buổi họp để quyết định nhiệt độ của máy lạnh. “Không có ai chịu trách nhiệm quản lý nhiệt độ nên ai nhanh tay sẽ là người được quyết định không khí nóng hay lạnh”, Ngọc Diệp nói.
Cơn sốt máy lạnh giữa nắng nóng
Việc sử dụng máy lạnh quá mức nhận được sự chú ý trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Sau trải nghiệm “phát bệnh” ở quận 7, tiêu chí chọn quán cà phê của Anh Thư lại có thêm một gạch đầu dòng: “Máy lạnh vừa phải”.
“Mình sẽ không đến những quán không có máy lạnh hoặc quá nóng”, cô khẳng định. “Nhưng mình cũng ngại đến những quán quá lạnh, một là vì sức khỏe không chịu được, hai là cảm thấy bứt rứt vì ủng hộ một hành động làm tăng biến đổi khí hậu”.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Huỳnh Trang (quản lý một quán cà phê ở quận 10) cho biết quán cô chỉnh máy lạnh dựa trên mật độ khách đến quán.
“Chúng tôi sẽ để nhiệt độ ở mức 25 độ C vào sáng sớm, thưa khách. Khi khách đông thì chỉnh xuống cho phù hợp thay vì để mặc định ở nhiệt độ thấp nhất”, cô chia sẻ. “Nếu cứ để 16 độ C thì vừa phí tiền vừa gây ra nhiều vấn đề cho môi trường”.
Đợt nắng nóng kỷ lục bao trùm thế giới đã khiến nhu cầu về các giải pháp làm mát tăng cao. Máy lạnh đã giúp người dân chống chọi với nắng nóng kỷ lục, nhất là khi nhiệt độ ở nhiều quốc gia vượt mốc 40 độ C.
|
Thiết bị điều hòa không khí tại một tòa nhà trong thời tiết nắng nóng ở Bangkok. Ảnh: Bloomberg. |
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết máy lạnh thải ra khoảng 1 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm. Và cơ quan này dự báo toàn thế giới sẽ có 5,6 tỷ chiếc máy lạnh vào năm 2050, tăng từ con số 1,6 tỷ vào năm 2018. Điều này sẽ gây ra áp lực khổng lồ cho môi trường và lưới điện địa phương.
Thống kê của IEA cho thấy cứ mỗi 1 độ C tăng thêm trong nhiệt độ trung bình hàng ngày thì nhu cầu sử dụng điện tăng thêm 4%. Từ tháng 5 đến tháng 9/2023, lưới điện ở các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… ghi nhận nhu cầu sử dụng điện cao đỉnh điểm khi chiếm hơn 60% nhu cầu điện toàn cầu.