Nằm trên bãi biển xanh mát ở Outer Banks (North Carolina), Stephanie Sanders (sống tại Mỹ) vừa ngắm những con sóng vỗ rì rào vừa túc trực bên chiếc laptop. Dù đang trong kỳ nghỉ với gia đình, cô vẫn không thể gác lại công việc của mình.
Trong chuyến đi, Sanders dành 2 giờ vào mỗi buổi sáng để nhận cuộc gọi từ khách hàng, kiểm tra email và tin nhắn. Nữ nhân viên văn phòng cho rằng điều này sẽ giúp cô sắp xếp mọi thứ từ xa, đỡ bị ngộp khi quay lại công ty.
“Tôi có chút thất vọng khi phải làm việc trong chuyến du lịch. Sếp đã trách nhẹ tôi vì không dành toàn bộ thời gian cho bản thân. Tuy nhiên, nhờ dành 2 tiếng mỗi ngày kiểm tra tiến độ, tôi bớt lo lắng hơn trước sự tấn công dồn dập của những nhiệm vụ còn dang dở sau kỳ nghỉ”, Sanders viết trong một bài đăng trên LinkedIn.
Tham công tiếc việc
Sanders không phải trường hợp duy nhất bị cuốn vào vòng xoáy công việc trong thời gian nghỉ phép. Một báo cáo gần đây từ Qualtrics, công ty phần mềm chuyên về trải nghiệm khách hàng, cho thấy khoảng một nửa giới công sở Mỹ vẫn làm việc một tiếng/ngày khi đi du lịch.
Theo Fortune, xu hướng này bắt đầu nở rộ hậu đại dịch Covid-19 khi các kỳ nghỉ trở nên kỳ lạ hơn trước đây. Nhờ sự linh hoạt của hình thức làm việc từ xa (remote working), người lao động có thể xử lý mọi thứ ở bất cứ đâu, miễn có máy tính xách tay và kết nối Wi-Fi.
Kể từ khi các văn phòng đóng cửa vào tháng 3/2020, công việc đã trở thành “bóng ma” luôn hiện hữu trong nhà riêng và đeo bám các nhân viên đến lúc nghỉ ngơi. Quyền được ngắt kết nối trong khi đi chơi đã là điều dĩ vãng.
Theo Qualtrics, nỗi sợ bị tụt lại phía sau là một trong những lý do hàng đầu khiến giới cổ cồn trắng không thể ngừng làm việc. Khi mùa du lịch hè đến, các văn phòng vốn đã vắng vẻ càng trở nên yên tĩnh hơn. Vì sự bận rộn đã được chuyển sang một địa điểm khác.
30% người tham gia khảo sát của Qualtrics cho hay các nhà quản lý và đồng nghiệp mong muốn họ vẫn kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi trong lúc đi vắng. 27% được mong đợi sẽ trả lời email và 20% tham gia cuộc họp trực tuyến.
Ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân ngày càng trở nên mong manh, không rõ ràng. Chỉ cần sếp gửi email “khẩn cấp”, kỳ nghỉ lập tức biến mất.
Thống kê của Fishbowl đã chỉ ra rằng khả năng ngắt kết nối trong thời gian nghỉ phép thay đổi theo độ tuổi và nghề nghiệp.
Chỉ 47% những người từ 21-25 tuổi có thể hoàn toàn tạm gác bỏ công việc, nhưng tỷ lệ này ở nhóm tuổi từ 45 trở lên lại ghi nhận ở mức 65%. Điều này có thể là do trách nhiệm của nhóm còn lại tăng lên theo thâm niên.
Giáo viên gặp khó khăn nhiều nhất khi ngắt kết nối với công việc vì 73% người tham gia khảo sát cho biết họ khó có thể phớt lờ chúng dù đã xin nghỉ. Tiếp theo sau đó là luật sư (71%), chuyên gia kế toán (59%), tài chính (55%) và tư vấn (51%).
Trái ngược với những ngành trên, những người làm trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe lại dễ dàng “bỏ việc” đi chơi.
Xu hướng độc hại
Nhờ điều hành mảng doanh số bán lẻ tại Bắc Mỹ cho Contractbook, Sanders được cung cấp thời gian nghỉ có trả lương không giới hạn (Paid Time Off, viết tắt: PTO). Nếu chán khung cảnh ở văn phòng, cô có thể mua vé máy bay đến địa điểm khác để họp online và tiếp tục làm việc.
“Có lẽ nếu thời gian nghỉ phép có lương ít hơn 20 ngày, tôi sẽ biết quý trọng chúng và không tham công tiếc việc đến vậy”, Sanders nói.
Theo Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, việc nhân viên tận dụng kỳ nghỉ để làm việc rất phổ biến. Tuy nhiên, đây được xem là xu hướng độc hại, dễ dẫn đến kiệt sức và có khả năng từ chức cao hơn.
Khoảng 20% người được hỏi trong cuộc khảo sát của công ty phân tích kinh doanh Visier cho hay họ bỏ việc sau khi trở về văn phòng, gần 1/2 từng có ý định này.
Trong thời đại vắt kiệt sức lực và chú trọng doanh thu, 58% người lao động tại xứ cờ hoa nói rằng công việc là nguyên nhân chính dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần của họ.
Trên bài đăng của Sanders, nhiều người đồng tình với cách làm của cô. Một số cá nhân còn chia sẻ cách chạy deadline trong thời gian nghỉ phép. Trong khi đó, số khác dành 2 tuần/năm để ngắt kết nối hoàn toàn. Nhưng điều này khiến họ mất vài ngày mới bắt kịp nhịp làm việc.
“Các quản lý nên khuyến khích cấp dưới nghỉ ngơi theo cách thoải mái nhất. Nếu họ muốn ‘biến mất’ vài ngày, điều đó không sao cả”, Sanders nói thêm.
Còn Richard Johnson, tác giả của báo cáo và nhà kinh tế liên kết với Glassdoor, các nhà tuyển dụng phải đảm bảo khả năng trả lương cho ứng viên theo chính sách PTO.
“Các nhà quản lý phải khuyến khích cấp dưới của mình tách thể chất và tinh thần khỏi công việc trong kỳ nghỉ. Tình trạng dồn ép lâu ngày có thể khiến các ông chủ mất người vào tay đối thủ cạnh tranh luôn ưu tiên phúc lợi của nhân viên.
PTO không chỉ là một đặc quyền cạnh tranh khi tuyển dụng mà còn là cốt lõi để loại bỏ tình trạng kiệt sức trong lực lượng lao động”, Johnson chia sẻ.