Theo một nghiên cứu công bố mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Surrey, Anh, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên quan giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D và nguy cơ phát triển các triệu chứng, cũng như biến chứng nặng của bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (COVID-19). Các nhà nghiên cứu thậm chí còn cảnh báo những mối nguy cơ khi tự ý sử dụng sản phẩm này.
Sự thiếu hụt vitamin D liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm của COVID-19 hay không ? Liệu có nên sử dụng vitamin D hàm lượng cao để phòng ngừa hay điều trị COVID-19? Nhiều người đã lầm tưởng về công dụng của vitamin D và tự ý bổ sung mà không ý thức được về những tác hại của việc làm này.
|
(Ảnh minh họa) |
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Surrey, Anh, vitamin D là một loại hormone, được sản xuất trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có chức năng tăng cường khả năng hấp thu canxi và phosphat ở đường ruột. Nếu như những khoáng chất này đã được chứng minh là cần thiết cho hoạt động của cơ thể, thì tác dụng của nó trong việc ngăn ngừa hay điều trị COVID-19 lại vẫn cần nghiên cứu thêm. Bởi phần lớn những nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin D và COVID-19 hiện nay đều là dựa trên dữ liệu thu thập được từ các nhóm dân số ở những nước đang phát triển và vì thế không thể được sử dụng như một chứng cứ khoa học.
Theo dõi y tế là cần thiết
Tác giả chính của công trình nghiên cứu Sue Lanham-New cảnh báo việc tiêu thụ quá mức vitamin D có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Một lượng vitamin D thích hợp trong cơ thể là quan trọng đối với sức khỏe tổng thế. Quá ít có thể dẫn tới còi xương ở trẻ em hoặc loãng xương ở người cao tuổi. Tuy nhiên quá nhiều lại có nguy cơ làm gia tăng mức độ canxi trong máu và vì thế dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng.
Không giống như thuốc đặc trị, vitamin D cũng như nhiều loại vitamin hay khoáng chất khác đều có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc hay trung tâm thương mại. Tuy nhiên việc tự ý sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ có thể dẫn tới những mối nguy hại không ngờ tới.
Theo tác giả Sue Lanham-New, việc theo dõi y tế là rất cần thiết. Bởi ngay cả khi có những nghiên cứu cho thấy việc thiếu hụt vitamin D có liên quan tới nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, song hiện cũng không có đủ các chứng cứ khoa học để chứng minh vitamin D có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị COVID-19. Hơn nữa việc thiếu hụt vitamin D có thể khắc phục một cách tự nhiên thông qua chế độ ăn uống cân bằng dịnh dưỡng, với các loại thực phẩm giàu vitamin D như cá dầu hay còn gọi là cá béo, thịt đỏ và lòng đỏ trứng. Ngoài ra, thực phẩm dinh dưỡng như ngũ cốc cho bữa sáng và tắm nắng an toàn hàng ngày cũng có thể giúp bổ sung vitamin D./.