Theo Tiến sĩ Dev Patel (chuyên gia về thẩm mỹ và y học tái tạo, đồng thời là giám đốc y tế của Perfect Skin Solutions), tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa trong cơ thể, có khả năng phát triển các đặc điểm cụ thể cho tế bào trong một cơ quan hoặc mô nhất định. Điều này có nghĩa là, nếu có một vùng tổn thương trong cơ thể, tế bào gốc có thể biến thành loại tế bào cần thiết để thay thế các tế bào ảnh hưởng.
Trong y học, liệu pháp tế bào gốc không mới. Năm 2010, tế bào gốc phôi lần đầu tiên được sử dụng điều trị cho một bệnh nhân bị chấn thương cột sống. Sự kiện này khởi đầu cho việc tận dụng tế bào gốc rộng rãi.
Trong lĩnh vực làm đẹp, sản phẩm chứa tế bào gốc, tiêm tế bào gốc vào da mặt được giới thiệu có thể làm trẻ hóa da, làm mờ nếp nhăn, tăng độ đàn hồi cho da, giúp da căng tràn sức sống. Với những lời quảng cáo “có cánh”, không ít chị em sẵn sàng rút ví để níu giữ tuổi thanh xuân.
Thận trọng kẻo tiền mất tật mang
Tin lời quảng cáo sử dụng tế bào gốc giúp trẻ hóa da, nâng ngực, nâng mông,... không ít người tìm đến các cơ sở thẩm mỹ, phòng khám để “nâng cấp” bản thân nhưng nhận về kết đắng.
|
Liệu pháp làm đẹp bằng tế bào gốc rất được ưa chuộng tại các nước châu Á. Trong khi đó, người dân những châu lục lại không mấy mặn mà. Ảnh minh họa |
Chia sẻ với báo chí, BS.CKII Trần Ngọc Phương (làm việc tại khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp sử dụng sản phẩm “tế bào gốc” tiêm vi điểm trên mặt xảy ra phản ứng sưng viêm, các nốt không tan kéo dài trên mặt kéo dài hàng tuần, thậm chí nhiều tháng.
Bác sĩ Phương cũng cho hay, hiện Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý dược chưa cấp phép chính thức cho các sản phẩm từ “tế bào gốc” trong lĩnh vực thẩm mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc chị em cần thận trọng trước khi quyết định làm đẹp bằng liệu pháp tế bào gốc kẻo tiền mất tật mang.
Thật vậy, việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị hiện nay chưa được cấp phép rộng rãi, chủ yếu là trong lĩnh vực ghép tế bào gốc cho các bệnh nan y, mạn tính.
Với những sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp liên quan đến tế bào gốc, chị em cần cảnh giác. Chúng không chỉ có giá thành cao mà tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Chia sẻ trên trang Vogue của Anh, tiến sĩ Patel cho biết, hiện không có cách nào để tế bào gốc sống của con người tồn tại trong các sản phẩm làm đẹp. Tế bào gốc chỉ có thể hoạt động trong môi trường tự nhiên hoặc trong điều kiện đặc biệt do phòng thí nghiệm kiểm soát. Tế bào gốc không thể tồn tại trong một sản phẩm. Nếu có, lượng tế bào gốc cũng không đủ để thẩm thấu vào bề mặt da.
Để áp dụng một liệu pháp, các nhà nghiên cứu phải thử nghiệm trên chuột và sau đó mới đến thử nghiệm trên người. Hiện các nhà nghiên cứu chưa biết tế bào gốc sau khi tiêm vào cơ thể làm đẹp sẽ tiến triển theo mục đích của mình, hay phát triển theo chiều hướng khác như sản sinh tế bào ác tính gây ung thư. Thay vì tự biến mình thành chuột bạch, chị em nên cân nhắc trước khi áp dụng liệu pháp làm đẹp mang nhiều sự may rủi này.
Có thể nói, làm đẹp, ngăn ngừa quá trình lão hóa là mong muốn chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, thay vì liều lĩnh áp dụng liệu pháp chưa được kiểm chứng, công nhận, chị em nên áp dụng lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, giữ tinh thần lạc quan, yêu đời,... Hiệu quả làm đẹp từ phương pháp này có thể không tức thì song chắc chắn không mang tới hậu quả khiến chị em hối tiếc.
>>> Mời độc giả xem thêm video: “Rùng mình” những kiểu làm đẹp quái dị trong lịch sử