Theo tin tức đăng tải trên VnExpress, chiều 11/3, ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Quảng Nam), cho biết đơn vị này đã phối hợp với Cảnh sát môi trường lập biên bản, thu giữ số
thịt lợn bị đổi màu sau một ngày. Mẫu thịt được gửi đi xét nghiệm để làm rõ.
Trước đó ngày 7/3, bà Châu Thị Hậu, cán bộ của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam tổ chức liên hoan cho cơ quan nhân ngày 8/3. Bà ra chợ mua 0,7 kg thịt lợn để làm bún mắm. Theo lời bà Hậu, thịt được mua vào khoảng 11h trưa 7/3 rồi bỏ vào tủ lạnh tại cơ quan, khoảng 15h thì mang ra luộc.
“Trước khi luộc đã rửa kỹ bằng nước muối. Thịt được luộc kỹ, chín sau đó xắt lát và không thấy dấu hiệu bất thường. Mọi người vui vẻ ăn và để dành một tô cho bảo vệ cơ quan vì người này vắng mặt”, bà Hậu nói.
|
Thịt luộc bị chuyển màu sau một đêm Ảnh: facebook. |
“Tô bún để dành cho bảo vệ được chúng tôi đặt trong lồng bàn. May là tối đó bảo vệ không ăn. Đến sáng 8-3, mọi người đến cơ quan thì phát hiện những miếng thịt trong tô bún đã đổi màu đỏ” – bà Hậu nói và cho biết sau đó, một số người đã chụp hình đưa lên Facebook.
Theo bà Hậu, sau khi xảy ra sự việc, bà ra chợ hỏi người bán thì được biết số thịt đó được lấy từ lò mổ nhỏ lẻ ở làng quê. Hôm đó, có tất cả 15 người trong cơ quan cùng ăn nhưng chỉ 1 người bị đau bụng nhẹ.
Đến trưa 9/3, Cảnh sát Môi trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Quản lý Thị trường đã đến lập biên bản thu giữ số
thịt lợn đổi màu đỏ như máu để đưa đi kiểm tra. Ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam, chiều 11/3 cho biết đã gửi mẫu thịt đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Sau khi những hình ảnh về thịt đổi màu được đưa lên Facebook, lập tức nhiều trang xã hội đăng tải và chia sẽ khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Nhiều người tỏ ra bất bình, đặt nghi ngờ về
thịt bị tẩm hóa chất, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ…
Trước đó, thông tin trên báo Đời sống & Pháp luật, vào năm 2014, tại tỉnh Hà Tĩnh, theo đó, trưa ngày 19/3, gia đình ông Nguyễn Xuân Quế (trú tại tổ dân phố 3, phường Hà Huy Tập, Hà Tĩnh) có mua 4 lạng thịt lợn về để ăn. Sau khi luộc chín, ăn không hết, phần còn lại gia đình ông Quế cất vào tủ đồ ăn, tuy nhiên đến trưa ngày 21/3, ông Quế phát hiện ra miếng thịt luộc đã chuyển sang màu đỏ tươi như máu.
|
Thịt lợn có màu đỏ như máu do vi khuẩn Serratia Marcescens - loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. |
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với gia đình bà Nguyễn Thị Sâm, bà Sâm cũng mua xương sườn và thịt cùng hàng thịt với ông Quế. Sau 2 ngày cất trong tủ lạnh, đến sáng 21/3 mang ra kiểm tra, thì bà Sâm bàng hoàng phát hiện cả phần thịt và xương cũng chuyển màu đỏ bất thường.
Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh đã lấy mẫu xét nghiệm và ngày 23/3 đưa ra kết luận ban đầu thịt lợn chuyển màu đỏ tươi là do nấm hoặc vi khuẩn chưa xác định gây nên.
Tuy nhiên, để xác định chính xác là loại nấm hoặc vi khuẩn gì thì Chi cục đã phải gửi mẫu thịt ra Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia để xác định cụ thể loại vi khuẩn này.
Sau đó, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đã đưa ra kết quả kiểm nghiệm thịt lợn có màu đỏ bất thường. Theo kết quả đó, thịt lợn có màu lạ là do vi khuẩn Serratia Marcescens - loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não gây ra.
Sáng 5/4, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh đã xác nhận thông tin này. Theo đó, vi khuẩn Serratia Marcescens chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thịt lợn chín chuyển màu đỏ như máu.
Loại vi khuẩn này khá phổ biến. Nó thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật và động vật. Phương thức lây truyền của vi sinh vật này bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc bằng ống thông.
“Loại vi khuẩn này có thể gây nên bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và áp xe não, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng mắt. Chúng xâm nhập vào thức ăn từ môi trường không khí, nước, người bệnh” - ông Hùng khuyến cáo.
Để đề phòng vi khuẩn này lây lan, người dân cần phải vệ sinh cá nhân tốt, ăn chín, uống sôi, bảo quản thực phẩm theo đúng quy trình.