Không về quê ăn Tết có được không?

Google News

Như thường lệ, cứ vào những ngày cận Tết, mọi người thường thay phiên nhau hỏi "Đặt vé chưa?", "Khi nào thì về quê ăn Tết?", "Thưởng Tết được nhiều không?", "Đã sắm sửa gì chưa?".


Về-quê-ăn-tết-1.JPG
Dòng người tất bật với các hoạt động Tết. Ảnh: HẢI NGUYÊN
Không cần đợi hỏi mới thấy lòng nôn nao cảm giác mong được về quê ăn Tết. Những ngày này, bạn chỉ cần bước xuống phố, nhìn cảnh quan tràn ngập sắc xuân; nhìn dòng người lướt qua, tất bật hoàn thành công việc, tranh thủ đặt vé xe, vé tàu, sắm sửa quần áo, quà cáp, tiệc tùng, chụp hình; hay nhìn những thay đổi tự nhiên của thời tiết....trong lòng mỗi người đã xốn xang, chợt nhớ nhà và muốn được hòa mình vào không khí "đoàn viên" một cách tự nhiên rồi.
"Tết nào vui bằng Tết đoàn viên"?
Nhìn từ góc độ văn hóa, Tết là ngày lễ quan trọng, là nét đẹp truyền thống thiêng liêng của người Việt Nam. Đây là dịp để mọi người trong gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm làm việc, học tập vất vả ở phương xa.
về quê ăn Tết.jpg 
Việc về quê ăn Tết là cách để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Lạc Lạc
Đồng thời, xét về mặt tình cảm, việc về quê ăn Tết còn là cơ hội để mỗi người chúng ta có nhiều thời gian ngồi lại bên nhau để bày tỏ tình yêu thương, sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em và bà con thân yêu ở quê.
Chính vì vậy, không biết từ bao giờ, in đậm trong thâm tâm mỗi người một mối liên kết chặt chẽ giữa "Tết" và "về quê" - thấy Tết là thấy quê hương.
Thậm chí, nắm bắt tâm lý "Tết nào vui bằng Tết đoàn viên", những chương trình truyền hình, quảng cáo hay MV ca nhạc những ngày này đều khéo léo để đánh động tâm tư mỗi người rằng Tết chỉ trọn vẹn nếu các thành viên trong gia đình được sum vầy.
Nói nào ngay, chỉ cần chứng kiến ai đó có hoàn cảnh cơ cực, vì mưu sinh, không đủ điều kiện về quê ăn Tết cùng gia đình, chúng ta cũng nghẹn nấc trong lòng. Huống hồ gì chính mình là đối tượng trực tiếp trải nghiệm cảnh lủi thủi đón Tết xa quê trong khi nhà nhà người người tưng bừng bánh chưng, bánh tét ở quê. Chỉ cần tưởng tượng thôi, cũng thấy chạnh lòng phải không?
Dẫu vậy, khi đứng trên góc độ kinh tế, về quê ăn Tết là một bài toàn chi phí khiến không ít người đắn đo giữa việc nên hay không nên về quê ăn Tết?
Cũng bởi tình hình kinh tế năm qua thật sự khó khăn và thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ an sinh xã hội của mỗi người lao động, đặc biệt ở khoảng thưởng Tết.
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, qua khảo sát 1.289 doanh nghiệp, có 448 doanh nghiệp (hơn 34%) cho thông tin gặp khó trong việc thưởng tết cho người lao động. Vì các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động...
Vì lẽ đó, không phải ai cũng có cảm giác vui vẻ và phấn khởi trước hoạt động "về quê ăn Tết" khi phải gánh trên vai quá nhiều chi phí cùng một lúc, nào là: tiền vé tàu, vé xe cho các thành viên trong gia đình, tiền mừng tuổi cho bố mẹ, nội ngoại hai bên, tiền sắm sửa quần áo mới cho con, tiền bạn bè họp lớp, tiền lì xì cho con của bạn, cháu nhà hàng xóm...
Quả thật khi nghe Tết được nghỉ hơn cả tuần lòng mừng thầm sẽ thoát mình khỏi công việc để về quê không khí bình yên tận hưởng vui chơi nhưng chợt nghĩ đến chi phí tiêu Tết có thể là hết luôn cả tháng lương, thậm chí là thưởng, mà thưởng thì ít thậm chí còn không có, thì lại căng thẳng.
về-quê-ăn-tết-3.jpg
Về quê ăn Tết là một bài toàn chi phí khiến không ít người lao động đắn đo. Ảnh minh họa: HẢI NGUYÊN
Mức độ căng thẳng khi về quê ăn Tết còn nằm ở chỗ không đơn thuần Tết là dịp nghỉ ngơi, mà nay Tết đã mở rộng ra là dịp để “soi" thành quả một năm qua với bạn bè, bà con, họ hàng, láng giềng… Thành thử, liệu có vui chăng nếu về quê chỉ với vỏn vẹn chi phí đi lại?
Trước ngữ cảnh quen thuộc này, nhiều người thử đặt ra phương án “Hay mình thử không về quê ăn Tết ?”. Nhưng sau khi suy đi tính lại, thấy chột dạ bởi “nếu không về quê ăn Tết, liệu có bị xem là không yêu thương gia đình?”
Đừng làm khổ mình khi cứ nhất nhất phải về quê ăn Tết...
Khi thăm hỏi những người xung quanh rằng không về quê ăn Tết thì có được không, câu trả lời nhận được nhiều nhất với đại ý chung thế này: “Điên à! nghĩ sao không về. Tết là để trở về mà. Một năm mới gặp lại ba mẹ anh chị em một lần…Ba mẹ thì ngày càng già yếu, lỡ không còn cơ hội gặp nhau nữa thì sao, lúc đó chỉ có nước mà hối hận không kịp.”
Sự thật, đây là nỗi sợ không của riêng ai. Ai ai khi nặng tình quê hương, yêu thương gia đình đều sợ hãi khi nghĩ về viễn cảnh một ngày mình đột nhiên không còn cơ hội“đoàn viên” cùng bố mẹ nữa. Cho nên dù có khó khăn, vẫn có nhiều người vẫn "thắt lưng buộc bụng" để về quê ăn Tết.
Tuy nhiên, cũng có một số người "thắt lưng buộc bụng" nhưng không phải để về quê mà đành ở lại “đất khách" ăn Tết chỉ vì dù có mong mỏi cỡ nào cũng không thể xoay được tiền về quê ăn Tết.
Và cũng có một số người, chứng kiến cảnh bạn bè và người quen xung quanh đang trăn trở, lại âm thầm quyết định trải lòng vấn đề lên mạng xã hội như là cách để động viên tinh thần nhau, giúp nhau làm sáng rõ hơn trước khi quyết định Tết này ở lại về.
Chẳng hạn, dưới đây là chia sẻ về những trăn trở xoay quanh chuyện về quê ăn Tết của facebooker Hà Phan với hơn 57 nghìn người theo dõi, về bài toán chi phí về quê ăn Tết:
"Tôi tính sơ sơ tiền vé tàu xe cho gia đình bốn người khoảng 6-8 triệu đồng cho một chiều về (chưa tính khứ hồi); chi phí ăn uống, sinh hoạt khi đi xe dọc đường cũng đắt đỏ hơn ngày thường. Khi về quê, ai cũng cần sắm Tết, mua đồ Tết, biếu quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại; mua sắm thực phẩm sử dụng trong mấy ngày Tết; tiền lì xì... tổng cộng nhẹ nhất cũng đến 10 triệu đồng. Tết xong trở lại nơi làm việc cũng lại mất chi phí tàu xe, đi đường cũng khoảng 6 triệu đồng nữa" - một người dùng MXH đã chia sẻ
Rất nhiều người lao động đang vắt óc với bài toán đào đâu 25-30 triệu như trên để về quê ăn Tết như bạn trên! Số chọn ở lại, đợi dịp khác rẻ hơn về ngày càng nhiều nhưng nói thì dễ, nỗi niềm mong ngóng sum vầy 3 ngày Tết rất khó để người xa quê an lòng.
Đừng làm khổ mình khi cứ nhất nhất phải về quê ăn Tết được không? Có lẽ với thu nhập bấp bênh, đường xá xa xôi và nhiều dịp khác có thể trở về cùng sợi dây liên lạc chẳng còn khó khăn như xưa thì cũng nên chịu đựng dần. Càng tập trung, dồn sức, gom góp tiền bạc đi lại, mua sắm, chi tiêu... cho Tết, cuộc sống có khi càng vất vả và khổ sở hơn…
Bên dưới bài đăng, rất nhiều người dùng MXH đã vào bình luận chia sẻ quan điểm cá nhân. Có người về, có người ở lại, có người vẫn còn băn khoăn…
Ảnh pre-order-sach.png
Người dùng Facebook để lại bình luận bên dưới bài đăng . Ảnh: cắt từ màn hình
Nhưng tựu chung lại, tất cả chúng ta đều một lòng hướng về quê hương mỗi khi Tết về. Mà đã có lòng hướng về quê, về gia đình về ba mẹ…thì làm sao có thể gọi là không yêu thương? Và chuyện "lỡ không gặp nhau nữa thì sao?" suy cho cùng, sinh mệnh đâu phải là chuyện chúng ta có thể kiểm soát và rằng chúng ta vẫn có thể 'đoàn tụ" với người thân bất kỳ dịp nào trong năm nếu muốn, đâu nhất thiết phải là Tết?
Về quê ăn Tết vẫn luôn là một hoạt động thiêng liêng mang đến nhiều ý nghĩa tinh thần cho mỗi người. Tuy nhiên, nếu còn đang khủng hoảng về tài chính, không đủ chi phí để có một cái Tết trọn vẹn ở quê nhà, chúng ta vẫn có thể cân nhắc thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách khác nhau mà không bị dằn vặt bởi những lý do kể trên.
Cho dẫu "Tết không vui như Tết đoàn viên", nhưng lại là cái Tết mang lại sự nhẹ gánh cho kinh tế lẫn tinh thần.
Theo Lê Duyên/ PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)