Phản ánh tới tòa soạn, chị Đỗ Thị T.( Thủy Nguyên – Hải Phòng) cho biết, bản thân chị định bán kem Ngọc Sâm của công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Ngọc Linh (thôn Xuân Quang, xã Yên Thọ, Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ngay bản thân chị T. cũng trở thành “chuột bạch” cho loại kem này. Tuy nhiên, sau khi sử dụng kem trị mụn Ngọc Sâm, khuôn mặt của chị trở nên tấy đỏ, nổi mẩn và phù nề.
Trao đổi với PV, chị T. cho biết: “Mình thấy kem đông y trị mụn Ngọc Sâm được rao bán rầm rộ trên mạng, nên định lấy về để có bán, có thêm thu nhập. Thế nhưng mình muốn ‘test’ thử trên mặt mình trước rồi mới bán. Bôi được một hôm thì da bắt đầu mẩn ngứa, nổi đỏ. Đến mấy hôm sau thì da tấy đỏ, nổi mẩn, phù nề trông rất đáng sợ. Mình hốt hoảng không dám dùng nữa”. Đến nay da mặt của chị Đỗ Thị T. đã bớt nổi mẩn, nhưng vẫn bị cháy lớp da phía ngoài.
|
Hình ảnh chị Đỗ Thị T. bị dị ứng. |
Theo tìm hiểu, sản phẩm trị mụn Ngọc Sâm do công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Ngọc Linh sản xuất, được giới thiệu là sản phẩm trị mụn Đông y gia truyền. Trên một số website bán loại sản phẩm này, ghi rất rõ thành phần các loại thảo dược đông y của kem trị mụn Ngọc Sâm, như tinh chất hạt cau, bạch linh, thảo quyết, xạ đen, linh chi, cam thảo.
“12 vị thuốc được chiết xuất trong 1 loại thuốc đặc trị. Sau khi thẩm thấu qua da, thuốc sẽ giúp tái tạo tế bào da, hoàn toàn không gây bào mòn da. Trị mụn thông thường đến mụn dị ứng do dùng hóa mĩ phẩm, thâm nám, làm mờ sẹo rỗ 50-80%”, một số website bán hàng quảng cáo tác dụng của kem Đông y Ngọc Sâm.
Để hiểu rõ về việc kem trị mụn đông y Ngọc Sâm gây hậu quả ra sao cho người dùng, PV đã liên hệ với chị Phương Linh, giám đốc công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Ngọc Linh và Phương Linh Spa. Ban đầu, chị Linh cho rằng sản phẩm của mình rất tốt nên chắc chắn có nhiều đối thủ chơi xấu, mới có việc phản ánh như thế.
|
Vùng da mặt của chị T. bị cháy, nổi mẩn dày đặc. |
Sau đó, chị Linh cung cấp cho PV một số giấy tờ liên quan đến sản phẩm trị mụn Ngọc Sâm như phiếu kết quả kiểm nghiệm do trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh cấp. Tuy nhiên, chị Linh lại không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào liên quan tới sản phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Ngọc Linh và Phương Linh Spa.
Khi PV hỏi về giấy phép sản xuất mỹ phẩm và giấy công bố sản phẩm, chị Phương Linh lại cho rằng, sản phẩm của mình không phải là mỹ phẩm, và chỉ là sản phẩm Đông y, không có hóa chất?! (nguyên văn theo như lời chị Linh trao đổi).
Sản phẩm trị mụn đông y Ngọc Sâm có nhãn hiệu, thương hiệu đầy đủ nhưng chị Linh lại nói rằng, đây là sản phẩm gia truyền nên trước đây không có sự cho phép của cơ quan chức năng. Hiện tại, chị Linh đang đợi được cơ quan chức năng cấp giấy tờ, giấy phép (?).
Sau một hồi quanh co không cung cấp được thông tin cho PV, chị Phương Linh đã xóa Zalo và đóng cửa page facebook của sản phẩm trị mụn đông y Ngọc Sâm với hàng nghìn lượt like do chị làm chủ.
Sau khi sự việc trên được phản ánh, các cơ quan chức năng Sở Y tế Quảng Ninh sẽ xử lý như thế nào?