Bác sĩ Bùi Mai Anh, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 29 tuổi (ở tại Hưng Yên) bị tai nạn lao động, tóc cuốn vào máy ép tôn. Bệnh nhân bị một vết thương đứt gần rời mảnh da đầu vùng đỉnh đầu, thái dương.
|
Các bác sĩ ghép nối da đầu cho bệnh nhân |
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng vẫn tỉnh, da đầu bị lột, dập nát nhiều. Sau khi hội chẩn, các chuyên khoa loại trừ các bệnh lý chấn thương như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống cổ, bệnh nhân được phẫu thuật nối da đầu. "Vì da đầu ngoài chức năng che phủ còn có chức năng thẩm mỹ, không có loại da nào có thể thay thế được và nếu không cứu được miếng da thì sẽ không cứu được hộp sọ, tóc cũng không mọc được ở vị trí đó, do đó ngay lập tức bệnh nhân được chuyển vào phòng phẫu thuật"- bác sĩ Mai Anh nói. Sau 8 tiếng ghép nối dưới kính vi phẫu và dụng cụ phẫu thuật vi phẫu nhỏ, các bác sĩ đã ghép nối thành công những mạch máu nhỏ xíu như sợi tóc trên mảnh da đầu.
Trước đó, các bác sĩ tại đây cũng tiếp nhận và ghép nối da đầu thành công cho một thiếu nữ bị cánh quạt cuốn bay gần như cả mảng da đầu. Nguyên nhân là bệnh nhân này gội đầu và hong tóc trước quạt công nghiệp.
Từ các trường hợp tai nạn sinh hoạt nói trên, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị đứt rời toàn bộ da đầu, cần bảo quản phần đứt rời bằng cách cho phần chi thể vào 1 túi nilon có chứa nước muối sinh lý hoặc bọc gạc vào phần đứt rời rồi ngâm vào 1 túi nilon chứa nước. Sau đó, ngâm túi nilon vào thùng đá đang tan và vận chuyển kịp thời đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật để nối mảnh đứt rời đấy.
Khi đứt gần rời, phải đặt lại phần da đầu đã đứt và băng lại. Sau đó vận chuyển kịp thời đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật. Khi bị tai nạn lao động, không bỏ đi bất cứ các mảnh đứt rời, cần bảo quản đúng cách và nhanh chóng vận chuyển kịp thời đến cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật để nối mảnh đứt rời.