Bác sỹ CKI. Phạm Thị Lan Hương - Trưởng khoa Phụ sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, sản phụ Hà Lan A. (20 tuổi) trú tại xã Trung trực – Yên Sơn – Tuyên Quang, nhập viện sáng ngày 4/9, có thai tự nhiên lần đầu, quá trình mang thai đi siêu âm đã biết có 2 tử cung (tử cung đôi), rất may mắn là quá trình mang thai diễn ra bình thường. Khi mang thai ở tuần 39, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, ở nhà đau bụng từng cơn, đã được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để đăng ký mổ đẻ.
|
Khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa phẫu thuật lấy thai thành công cho sản phụ có 2 tử cung. Ảnh minh họa. |
Ngay khi sản phụ có 2 tử cung nhập viện, Bệnh viện đã thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và có chỉ định mổ lấy thai ngay trong ngày. Cuộc mổ đã thành công, kíp mổ đã lấy được 1 bé gái hồng hào, khóc tốt, nặng 2,6kg, các chỉ số sinh tồn của sản phụ ổn định.
Bác sỹ Hương cho biết, tử cung (dạ con) là một bộ phận sinh sản của phụ nữ, một cơ quan nội tạng rỗng có hình quả lê lộn ngược. Tử cung đôi (tử cung kép) là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, điển hình cho bất thường ở tử cung (dị dạng tử cung). Tử cung đôi là tử cung có hai buồng tử cung riêng biệt, mỗi buồng có thể dẫn đến cổ tử cung và âm đạo. Điều này có nghĩa là bạn có thể có hai tử cung và hai âm đạo riêng biệt cùng hai ống dẫn trứng.
Với thai phụ có tử cung đôi, các nhánh động mạch nuôi dưỡng thai nhi sẽ bị phân tán, lòng tử cung hẹp, tử cung co giãn không tốt dễ dẫn đến tình trạng sảy thai, thai nhi chậm phát triển hay thậm chí là chết lưu, sinh non…
Bác sỹ Hương khuyến cáo, nữ nên đi khám sàng lọc tiền hôn nhân, để được bác sỹ tư vấn trước khi có thai, nếu có phát hiện dị dạng đường sinh dục sẽ được theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai nghén và có chuẩn bị sẵn khi đỡ đẻ hoặc lấy thai an toàn cho cả mẹ và bé.
Ảnh hưởng của tử cung đôi và nguy cơ sảy thai
Nếu không xảy ra bất cứ biến chứng y khoa hay sản khoa nào thì tình trạng bất thường này ở tử cung sẽ không biểu hiện ra triệu chứng gì, vì vậy chị em sẽ rất khó có thể nhận biết liệu mình có bị tử cung đôi hay không. Để nhận biết được tình trạng này, các bác sĩ cần phải thực hiện kiểm tra vùng chậu và thông qua các xét nghiệm hình ảnh theo định kỳ.
|
Tử cung đôi là tử cung có hai buồng tử cung riêng biệt, mỗi buồng có thể dẫn đến cổ tử cung và âm đạo. |
Hầu hết những phụ nữ có tử cung đôi vẫn thoải mái hưởng thụ đời sống “chăn gối vợ chồng” như bao phụ nữ khác. Tuy nhiên, đối với phụ nữ có tử cung đôi đang trong giai đoạn thai kỳ có thể gặp phải các nguy cơ sau:
Sinh khó: Trong quá trình mang thai, tử cung chứa bào thai lớn lên, tuy nhiên tử cung còn lại chỉ lớn hơn bình thường một chút. Vì vị trí của tử cung không mang thai nằm thấp nên trong giai đoạn chuyển dạ sẽ gây khó khăn cho thai nhi đi ra ngoài, gây ra tình trạng khó sinh. Đó cũng là lý do tại sao tỷ lệ mổ lấy thai ở những người có tử cung đôi cao hơn bình thường. Trên thực tế, vẫn có những phụ nữ có tử cung đôi sinh qua ngã âm đạo được nếu thai nhi nhỏ và tử cung còn lại không cản trở đường ra của thai nhi.
Thai nhẹ cân: thông thường, những phụ nữ có một tử cung sẽ có hai động mạch tử cung đến cung cấp máu. Tuy nhiên, những người có tử cung đôi thì chỉ có 1 động mạch tử cung cung cấp máu cho mỗi tử cung. Vì vậy, lượng máu cung cấp cho thai nhi sẽ bị giảm đi, gây ra nguy cơ thai nhi bị nhẹ cân khi sinh ra.
Sinh non: do tử cung chứa thai ở người có tử cung đôi phát triển có sự hạn chế hơn so với người có một tử cung, điều này dễ dẫn tới tình trạng sinh non.
Sảy thai: phụ nữ có tử cung đôi ít khi cả hai tử cung phát triển hoàn thiện. Khi thai làm tổ ở tử cung không hoàn thiện khiến cho khả năng giữ được thai nhi sẽ rất thấp. Thêm vào đó, những người mang tử cung dị tật này sẽ có buồng tử cung rất hẹp, khi thai lớn quá giới hạn cho phép, tử cung sẽ có cơ chế tự đào thải thai nhi. Những yếu tố trên là nguyên nhân chính dẫn tới các nguy cơ sảy thai nhiều lần hoặc sinh non.