Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động khi liên tục lập mốc mới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái thì 20 năm sau, tỉ số này là 115 bé trai/100 bé gái (mức chuẩn sinh học bình thường là 105 bé trai/100 bé gái).
Thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng ở cả nông thôn và thành thị. Sơn La đứng đầu về tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh với 120 bé trai/100 bé gái. Tiếp đến là Hưng Yên 118,6 bé trai/100 bé gái; Bắc Ninh 117,6 bé trai/100 bé gái; Thanh Hóa 117,2 bé trai/100 bé gái; Hải Dương 116,3 bé trai/100 bé gái.
55/63 tỉnh, thành trên cả nước có tỉ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Với tỉ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Riêng tại Hà Nội, tỉ số giới tính khi sinh đã giảm từ 114,5 bé trai/100 bé gái năm 2015 còn 112,8 bé trai/100 bé gái trong 6 tháng đầu năm 2019 nhưng vẫn ở mức cao. Còn tại TP HCM, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, sơ kết công tác dân số 9 tháng năm 2019 công bố tỉ số giới tính khi sinh tại TP là 108,3 bé trai/100 bé gái, giảm so với cùng kỳ năm 2018 (111,2 bé trai/100 bé gái).
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa từ 2,4-4,3 triệu đàn ông Việt có nguy cơ "ế vợ". Trước đó, nhiều chuyên gia dân số từng cảnh báo những nam giới được sinh sau năm 2000 sẽ có nguy cơ khó lấy vợ.
Đề nghị xử lý hình sự việc lựa chọn giới tính
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số nước ta hiện nay. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính càng trầm trọng ở cả những cặp vợ chồng có trình độ học thức cao, điều kiện kinh tế tốt.
Với hôn nhân "một vợ, một chồng" trong khi thừa nam, thiếu nữ, GS-TS Nguyễn Đình Cử cho rằng hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên không thể thành công trong "một sớm một chiều" bởi với chính sách dân số 2 con như hiện nay, Việt Nam cũng phải mất tới gần 40 năm để vận động, truyền thông nhưng cũng chưa thể thành công ở tất cả vùng miền. Trong khi đó, để thay đổi một tư tưởng đã ăn sâu vào ý nghĩ của không ít người dân từ hàng ngàn năm là chuyện không dễ dàng. Để làm được điều này, điều kiện kinh tế - xã hội cần phát triển hơn nữa. Phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi để những người già bớt phụ thuộc kinh tế con cái. "Làm thế nào để khẳng định giá trị của một người nằm ở sự cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ. Phải tăng cường khung pháp lý, thậm chí xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính khi sinh" - GS-TS Nguyễn Đình Cử nói.
Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỉ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn rất nặng nề. Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái - nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh.