Tính đến ngày 3/11, cả nước có 28 người nhiễm virus Zika. TP HCM là địa bàn có số ca nhiễm virus này nhiều nhất, với 21 trường hợp. Các ca bệnh nằm rải rác ở 11 quận huyện, có nguy cơ lây lan nhanh.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, còn cho biết có thể 9 trường hợp nghi nhiễm Zika nữa sẽ được công bố trong thời gian tới, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.
Virus Zika nguy hiểm bởi có mối tương quan với hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Người có ý định mang thai hoặc đang mang thai cần đặc biệt cẩn trọng.
Trong số các ca đã ghi nhận, 4 trường hợp là thai phụ, một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Mới đây, Bộ Y tế đã chính thức thông báo trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên bị dị tật đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika ở tỉnh Đắk Lắk.
|
Lorrany Emily da Silva, em bé bị dị tật đầu nhỏ, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Oswaldo Cruz, thành phố Recife, Brazil ngày 26/1. Ảnh: Reuters. |
Muỗi truyền nhiễm virus Zika chịu được khô hạn một năm
Tuy nhiên, ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - nơi có vài nghìn lượt người đi khám mỗi ngày, nhiều thai phụ tỏ ra không quan tâm tới virus này.
Chị Mai Ngọc Hoa (ở Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) đang mang thai đứa con đầu lòng tới khám định kỳ. Khi được hỏi chị có biết gì về loại virus Zika gây tật đầu nhỏ cho thai nhi, chị đáp: “Mình đọc báo cũng có biết đến virus này nhưng mình không để ý lắm vì miền Bắc chưa thấy ai mắc”.
Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh (quận Thanh Xuân) cho hay: “Các ca nhiễm đều ở miền Nam. Tôi nghĩ miền Bắc đang lạnh, sẽ an toàn do không có muỗi”.
TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, thông tin thêm muỗi Aedes rất nguy hiểm, chúng là loại gây ra dịch sốt xuất huyết. Ở miền Nam, dịch xảy ra quanh năm, còn ở miền Bắc, cao điểm vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 11.
Khi con muỗi được sinh ra sẽ mang virus đó trên mình. Chúng chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây. Muỗi trưởng thành thích đốt người, chó, mèo, gà.
Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy với chỉ 1 con muỗi nó có thể truyền bệnh cho nhiều người khi có một người mắc bệnh.
Thời tiết mưa hay nắng lên là thời điểm muỗi Aedes phát triển mạnh. Trứng của chúng có thể chịu được khô hạn tới hơn 1 năm và vẫn nở ra loăng quăng khi gặp nước.
Thai phụ Hà Nội thăm khám tầm soát virus Zika ở đâu?
Thực tế, qua các phương tiện truyền thông, người dân đã có nhiều thông tin về bệnh do virus Zika và ý thức trong việc tránh bị muỗi đốt. Nhưng tâm lý chủ quan do Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh vẫn còn khá phổ biến.
Về điều này, TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết bệnh viện đã nhận được sự chỉ đạo của UBND và Sở Y tế về việc phòng bệnh do virus Zika, cũng như việc khám, xác định các trường hợp nghi nhiễm.
Hà Nội chưa có dịch nhưng bệnh viện đang làm tốt công tác khống chế nhiễm khuẩn, diệt muỗi bởi đây là nơi đông người, nhiều nước thải. Việc diệt côn trùng và muỗi rất quan trọng.
TS Ánh khuyến nghị thai phụ nên theo dõi chặt chẽ thai kỳ. Nếu có dấu hiệu nghi nhiễm Zika chị em cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
“Chúng tôi sẽ làm các xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành, đồng thời thường xuyên theo dõi thai nhi có bị dị tật đầu nhỏ hay không”, TS Ánh cho hay.
Theo ông, mọi dấu hiệu đều phải được theo dõi. Nhiễm virus Zika chưa chắc đã khiến thai nhi bị chứng đầu nhỏ, không phải mọi trường hợp trẻ bị chứng này đều do Zika.
“Khi siêu âm, nếu đứa bé phát triển trong bụng mẹ một cách bình thường, số đo sẽ tăng theo thời gian một cách tuần tự. Ví dụ như thai 20 tuần, đường kính trung bình của não khoảng 45 mm, thai 32 tuần phải là 80 mm.
Để xác định chắc chắn nguyên nhân gây tật đầu nhỏ, thai phụ cần làm thêm các xét nghiệm khác như chọc ối, lấy mẫu để đem đi phân lập. Nếu xác định đúng bệnh, bác sĩ phải tư vấn cho gia đình về quyết định giữ hay bỏ đứa bé”, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội cho hay.
Việc chẩn đoán, sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được đánh giá tốt thứ hai tại châu Á - Thái Bình Dương, ngang Singapore và chỉ sau Nhật Bản. Do đó, TS Ánh khuyến nghị bà bầu không nên quá lo lắng.
“Tôi cho rằng phòng chống virus Zika ở cộng đồng là quan trọng nhất. Vì thế, việc truyền thông cho người dân hiểu và chủ động phòng bệnh phải đi trước một bước và ưu tiên hàng đầu”, ông Ánh nói thêm.
* Tên các sản phụ đã thay đổi.