Từ 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết Tân Sửu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 800 trường hợp cấp cứu, giảm 1/3 so với cùng kỳ. Trong đó, đa số trường hợp nhập viện do bệnh nội khoa nặng, số còn lại chủ yếu là tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một người đàn ông bị tai nạn giao thông tại Bình Phước vào chiều mùng 2 Tết. Sau 2 tiếng di chuyển, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và ngay lập tức được đưa vào phòng Hồi sức tích cực.Bà Thúy (58 tuổi, ngụ quận 4) bần thần gọi điện thoại thông báo cho người thân về tai nạn của chồng. Trưa nay, chồng bà cùng một người bạn đến quán nhậu trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), khi ra về thì bị tai nạn giao thông. “Bình thường ông ấy không nhậu nhiều nhưng cứ Tết là nhậu. Tôi vào viện, nhìn thấy chồng thì suýt ngất vì trên người toàn máu và cả mùi rượu. Bác sĩ vừa chụp CT não nên chưa biết kết quả”, bà Thúy nói. Bác sĩ Võ Hạnh, trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngày Tết họ thường gặp các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Do đó, nhân viên y tế khoa Cấp cứu luôn có áp lực rất lớn.Điều dưỡng Võ Thị Phương Trang (34 tuổi) cho biết đây là năm thứ 16 chị trực Tết tại khoa Cấp cứu. Mỗi ca trực thường kéo dài 12 giờ. “Ngành y vốn dĩ chịu nhiều áp lực, người làm cấp cứu còn căng thẳng hơn. Nhiều người bệnh nhập viện trong hoàn cảnh rất thương tâm. Giúp nhiều người vượt qua cửa tử chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi”, nữ điều dưỡng chia sẻ. Do tính chất công việc, khoa Cấp cứu phải đảm bảo đầy đủ số lượng nhân viên, phòng trường hợp khẩn cấp. Do đó, trong ngày Tết, nhân viên khoa Cấp cứu không được nghỉ phép và không ra khỏi thành phố.Trung bình mỗi đêm, khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 300 trường hợp, trong đó, khoảng 30 ca nặng phải vào phòng Hồi sức tích cực. Từ chiều tối, số ca cấp cứu cũng tăng dần. Gác nỗi nhớ gia đình và không khí sum vầy ngày Tết, các y bác sĩ dốc lòng giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.“Tất cả người bệnh sẽ được lấy mẫu phết mũi họng để xét nghiệm Covid-19. Nhân viên khoa Cấp cứu vừa muốn điều trị nhanh chóng, an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân, nhưng phải sàng lọc kỹ. Nếu bỏ sót người nhiễm SARS-CoV-2 và để lây lan trong cộng đồng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, áp lực với người làm cấp cứu tăng hơn nhiều”, bác sĩ Võ Hạnh chia sẻ.Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đa khoa tuyến cuối của khu vực miền Nam. Vì vậy, khoa Cấp cứu chủ yếu tiếp nhận ca bệnh nặng, nghiêm trọng mà cơ sở y tế tuyến dưới không đủ khả năng điều trị.
Từ 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết Tân Sửu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 800 trường hợp cấp cứu, giảm 1/3 so với cùng kỳ. Trong đó, đa số trường hợp nhập viện do bệnh nội khoa nặng, số còn lại chủ yếu là tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Một người đàn ông bị tai nạn giao thông tại Bình Phước vào chiều mùng 2 Tết. Sau 2 tiếng di chuyển, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và ngay lập tức được đưa vào phòng Hồi sức tích cực.
Bà Thúy (58 tuổi, ngụ quận 4) bần thần gọi điện thoại thông báo cho người thân về tai nạn của chồng. Trưa nay, chồng bà cùng một người bạn đến quán nhậu trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), khi ra về thì bị tai nạn giao thông. “Bình thường ông ấy không nhậu nhiều nhưng cứ Tết là nhậu. Tôi vào viện, nhìn thấy chồng thì suýt ngất vì trên người toàn máu và cả mùi rượu. Bác sĩ vừa chụp CT não nên chưa biết kết quả”, bà Thúy nói.
Bác sĩ Võ Hạnh, trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngày Tết họ thường gặp các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Do đó, nhân viên y tế khoa Cấp cứu luôn có áp lực rất lớn.
Điều dưỡng Võ Thị Phương Trang (34 tuổi) cho biết đây là năm thứ 16 chị trực Tết tại khoa Cấp cứu. Mỗi ca trực thường kéo dài 12 giờ. “Ngành y vốn dĩ chịu nhiều áp lực, người làm cấp cứu còn căng thẳng hơn. Nhiều người bệnh nhập viện trong hoàn cảnh rất thương tâm. Giúp nhiều người vượt qua cửa tử chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi”, nữ điều dưỡng chia sẻ.
Do tính chất công việc, khoa Cấp cứu phải đảm bảo đầy đủ số lượng nhân viên, phòng trường hợp khẩn cấp. Do đó, trong ngày Tết, nhân viên khoa Cấp cứu không được nghỉ phép và không ra khỏi thành phố.
Trung bình mỗi đêm, khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 300 trường hợp, trong đó, khoảng 30 ca nặng phải vào phòng Hồi sức tích cực.
Từ chiều tối, số ca cấp cứu cũng tăng dần. Gác nỗi nhớ gia đình và không khí sum vầy ngày Tết, các y bác sĩ dốc lòng giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.
“Tất cả người bệnh sẽ được lấy mẫu phết mũi họng để xét nghiệm Covid-19. Nhân viên khoa Cấp cứu vừa muốn điều trị nhanh chóng, an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân, nhưng phải sàng lọc kỹ. Nếu bỏ sót người nhiễm SARS-CoV-2 và để lây lan trong cộng đồng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, áp lực với người làm cấp cứu tăng hơn nhiều”, bác sĩ Võ Hạnh chia sẻ.
Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đa khoa tuyến cuối của khu vực miền Nam. Vì vậy, khoa Cấp cứu chủ yếu tiếp nhận ca bệnh nặng, nghiêm trọng mà cơ sở y tế tuyến dưới không đủ khả năng điều trị.