Tôi là một công chức, làm công ăn lương, kết hôn đã 5 năm, sinh hoạt vẫn phải tiết kiệm, không quá dư giả.
Hai năm trước, bố vợ tôi đột nhiên tai biến, trong nhà hỗn loạn. Gia đình vợ tôi cũng là công nhân viên chức, ngoài chút tiền lương hưu chỉ để ra được một khoản nhỏ. Mẹ vợ tôi dù đã nghỉ hưu vẫn ra sức đi làm thêm lấy tiền chữa bệnh cho chồng, chẳng mấy chốc bà tiều tụy đi nhiều. Là con rể, tôi tự thấy phải có trách nhiệm giúp bố mẹ vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tôi bàn bạc với vợ rồi mỗi tháng trích khoảng 15 triệu đưa cho bố mẹ vợ chữa bệnh. Lúc đó, tiền lương của tôi cũng chỉ khoảng hơn 20 triệu/tháng, nếu chi tiêu tiết kiệm thì vừa vặn còn dư chút ít. Sau khi đưa tiền cho bố mẹ vợ, sinh hoạt của chúng tôi lâm vào thế bí, phải hạn chế rất nhiều khoản.
Thời gian đầu đưa tiền cho bố mẹ vợ, vợ tôi rất cảm kích, nói rằng không ngờ tôi hiếu thuận với cha mẹ như vậy. Thế nhưng, sống trong cảnh tiết kiệm, khó khăn lâu dài, cô ấy bắt đầu chán ghét, mệt mỏi.
|
Tôi và vợ hiền từng rất tâm đầu ý hợp (ảnh minh họa) |
Cô ấy nói, cô ấy cảm thấy quá khổ sở khi phải sống cảnh túng quẫn như thế này, trách tôi không có năng lực kiếm tiền, không cho cô ấy được cuộc sống sung sướng, vô lo vô nghĩ như tôi đã hứa.
Lại nói, nghèo thì không thể lãng mạn, chúng tôi luôn cãi nhau vì vấn đề tiền bạc. Cô ấy trách tôi không có bản lĩnh, còn tôi thì nghĩ vợ không hiểu nỗi khổ và áp lực của tôi.
Qua khoảng một năm kiên trì trị liệu, bố vợ tôi cũng bình phục. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cảm giác áp lực cũng vơi bớt đi nhiều. Nửa năm sau, ô đất bố mẹ vợ đang ở nằm trong diện giải tỏa, được đền bù một khoản tiền lớn. Bố mẹ vợ đi nơi khác mua nhà, còn dư một khoản tiền không nhỏ, nhờ thế, tôi không phải gửi tiền hiếu kinh nữa. Áp lực kinh tế của tôi cũng giảm đi nhiều.
Đúng lúc này, vợ tôi lại chìa ra lá đơn ly hôn. Cô ấy nói không muốn sống một cuộc sống nghèo khó như thời gian qua nữa. Kết hôn cũng đã vài năm, người khác thì đi du lịch trong nước, ngoài nước, mua quần áo đẹp, còn ở với tôi, cô ấy không được đi đâu, đồ ăn, mặc cũng là đồ bình dân. Cô ấy không chịu nổi cảnh sống ấy.
Tôi hoảng hốt, cầu xin vợ nghĩ lại, nói rằng sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để cho cô ấy cuộc sống yên ấm. Thế nhưng, vợ tôi kiên quyết ly hôn, nói rằng, nếu không vì con và vì tôi có tâm vợ bố mẹ vợ, cô ấy đã sớm ly hôn rồi.
Rơi vào cảnh đường cùng, tôi không thể làm gì khác là chấp nhận ly hôn. Tôi nghĩ mấy năm nay đã để cho cô ấy phải chịu khổ nên quyết định dọn ra khỏi nhà, để lại tất cả tài sản cho cô ấy.
Họa vô đơn chí, ly hôn chẳng bao lâu, mẹ tôi lại bị ung thư vú, phải trị liệu bằng hóa chất, vừa đau đớn mệt mỏi lại vô cùng tốn kém. Để chăm sóc mẹ, tôi bận tối mắt tối mũi. Lúc này, mẹ vợ cũ đột nhiên tới tìm tôi, hóa ra bà biết mẹ tôi bị ung thư và tôi đang trải qua quãng thời gian khó khăn đến nhường nào.
Bà đưa cho tôi một tấm chi phiếu hơn 2 tỷ, và nói tôi xứng đáng được nhận số tiền này. Bà rất giận con gái vì đã ly hôn với tôi bởi, nếu không có tôi giúp đỡ, có lẽ bố cô ấy còn đang nằm trên giường bệnh. Bà yêu cầu tôi giữ bí mật, không được nói chuyện này với ai khác, đặc biệt là vợ cũ của tôi.
Tôi một mực từ chối, nghĩ rằng hiện tại tôi và ông bà đã không còn quan hệ, không thể nhận số tiền lớn thế này. Thế nhưng, bà kiên quyết ép tôi phải nhận vì bà coi tôi như con trai ruột trong nhà. Tôi rơi nước mắt nhận tiền từ tay bà, hứa thầm là chắc chắn có một ngày sẽ trả lại cho bố mẹ vợ.
Khoảng một tháng sau, vợ cũ đến tìm tôi, nói rằng rất hối hận, muốn cùng tôi tái hôn. Vẫn còn tình cảm, tôi đồng ý quay lại với vợ cũ. Sau khi tái hôn, cô ấy dọn về ở chung, giúp tôi chăm sóc mẹ.
Những tưởng cô ấy đã thật tâm thay đổi, nào ngờ chỉ qua vài ngà,y cô ấy đột nhiên hỏi: "Có phải mẹ em đưa cho anh một khoản tiền lớn hay không?". Tin tưởng vợ, tôi nói thật tất cả mọi chuyện. Nghe xong, cô ấy sống chết đòi đưa tất cả số tiền ấy cho cô ấy giữ. Cô ấy còn nói: "Mẹ em giấu hết tiền đi rồi, không chịu cho em dù chỉ một phần".
Hiện tại tôi nên làm gì? Nói thật là tôi không tin tưởng vợ nữa nhưng đây là tiền của bố mẹ cô ấy, tôi có nên đưa trả cho cô ấy hay không?